Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã không công bố giá cơ sở xăng RON 95 tại 47 kỳ điều hành trong năm 2015 – 2016 và do những bất cập trong công thức tính giá cơ sở, 10 thương nhân đầu mối xăng dầu đã hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng năm 2015 và hơn 1.400 tỷ đồng trong năm 2016.

xang-dau
Nhiều bất cập trong quản lý, điều hành giá xăng, dầu. (Ảnh: Gia Bảo)

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa chỉ ra một loạt những bất cập trong việc quản lý, điều hành giá xăng dầu trong hai năm 2015-2016.

Liên Bộ Tài chính – Công Thương không công bố giá cơ sở xăng RON 95 tại 47 kỳ điều hành

Theo báo cáo của KTNN, các văn bản điều hành giá của Liên Bộ Tài chính – Công Thương giai đoạn 2015 – 2016 có công bố đầy đủ giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như: xăng RON 92, dầu diesel 0,05S. Tuy nhiên, một số mặt hàng khác chưa được công bố giá cơ sở như: dầu diesel 0,25S tại 23 kỳ điều hành giá năm 2015; xăng RON 95 tại 47 kỳ điều hành giá năm 2015, 2016.

Cùng với đó, liên bộ cũng chưa thực hiện đầy đủ việc công bố thông tin các kỳ điều hành. KTNN cho hay việc công bố thông tin trên website nhằm mục đích minh bạch thông tin và cung cấp thông tin kịp thời cho người tra cứu sử dụng, tuy nhiên thông tin được liên bộ đăng tải trên website nhưng không hiện ngày, giờ đăng sau ngày điều hành giá, không tra cứu được thông tin điều hành giá nên hiệu lực việc công bố thông tin chưa cao.

Do đó, KTNN kiến nghị Liên Bộ Tài chính – Công Thương thông báo đầy đủ giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu bán ra trên thị trường khi điều hành giá để doanh nghiệp có cơ sở thực thiện, đồng thời công khai thông tin đăng tải kịp thời để việc công bố thông tin đảm bảo tính hiệu lực.

10 thương nhân đầu mối hưởng lợi hơn 4.800 tỷ đồng do bất cập trong cách tính giá cơ sở

Theo KTNN, trong năm 2015 và 5 kỳ điều hành đầu tiên của năm 2016, Liên Bộ Tài chính – Công Thương áp thuế nhập khẩu ưu đãi MFN (20%) trong điều hành là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo một khoản thặng dư cho các đơn vị đầu mối. Do cách áp dụng thuế này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng.

Tiếp đó, trong năm 2016, việc áp dụng thuế bình quân gia quyền trong cách tính giá cơ sở từ kỳ điều hành cuối tháng 3/2016 được cho là hợp lý hơn nhưng vẫn chỉ mang tính tình thế, 10 thương nhân đầu mối vẫn thu lợi hơn 1.400 tỷ đồng.

Cụ thể, số liệu kiểm toán sổ sách thực tế cho thấy với mặt hàng dầu diesel, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi khi áp thuế ATIGA là từ 5 – 25% trong năm 2015 và 0,6 – 10% năm 2016, cao hơn 5,74 – 10% đối với xăng.

KTNN cho rằng “đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn so với giá cơ sở do liên bộ điều hành, khiến doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận khoảng 4.800 tỷ đồng”. Trong đó, doanh nghiệp lãi nhiều nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù phát hiện số liệu chênh lệch tài chính tới hơn 4.800 tỷ đồng nhưng KTNN chỉ kiến nghị các đơn vị đầu mối được kiểm toán nộp vào ngân sách nhà nước số thuế và các khoản phải nộp tăng thêm là 252 tỷ đồng và điều chỉnh sổ sách kế toán theo kết quả kiểm toán.

Trước những bất cập vừa được chỉ ra trong báo cáo, KTNN kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thống nhất một mức thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp để thuận lợi trong quản lý, điều hành giá.

Nhật Minh

Xem thêm: