Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan đang được xem xét kỹ lưỡng trước khi Thủ tướng sắp đương nhiệm của Pakistan – Imran Khan quyết định cách thức đưa quốc gia Nam Á thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài.

Embed from Getty Images

Với nguồn dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt, Pakistan rất cần các khoản hỗ trợ tài chính khẩn cấp và Thủ tướng Pakistan phải lựa chọn một trong hai sự hỗ trợ đến từ Trung Quốc hoặc gói cứu trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Nếu nhận gói cứu trợ từ IMF, Pakistan có thể được yêu cầu phải tiết lộ đầy đủ thông tin về các khoản nợ nước ngoài của quốc gia này, đặc biệt là từ Trung Quốc, vốn đã liên tục cung cấp các khoản vay để giữ cho các chủ nợ của Pakistan có thêm cơ hội xâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc gia Nam Á.

Nội các mới ưu tiên chọn Mỹ

Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã đưa ra cam kết rằng quốc gia này sẽ cung cấp đầy đủ chi tiết về khoản đầu tư 62 tỷ USD của chính quyền Bắc Kinh trong chiến lược Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, còn được gọi là CPEC.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính sắp đương nhiệm của Pakistan – Asad Umar nói trong tuần này rằng các điều khoản chi tiết về hợp đồng đầu tư lẽ ra phải được trình lên nghị viện, thay vì cho rằng “không có vấn đề gì [đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc] và quay trở lại” với các cam kết của Pakistan đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Các khoản cho vay từ Trung Quốc và việc phá giá đồng Rupee nước này đã khiến Pakistan bị ngập chìm trong nợ. Trong vòng 20 tháng qua, dự trữ ngoại hối của quốc gia này đã bị giảm xuống một nửa.

Hiện dự trữ ngoại hối của Pakistan vào khoảng 10 tỷ USD, chỉ đủ đáp ứng cho 2 tháng nhập khẩu, thấp hơn so với tiêu chuẩn tối thiểu 3 tháng nhập khẩu.

Ngoại trưởng Mỹ – Mike Pompeo cảnh báo rằng bất kỳ gói cứu trợ nào của IMF cũng sẽ không bao gồm tiền để chi trả cho các khoản vay từ Trung Quốc.

Các quan chức Pakistan đã bác bỏ lập luận trên và cho rằng Pakistan chỉ là nạn nhân của cuộc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung hiện tại và quyết tâm rõ ràng của Washington trong việc dồn ép Bắc Kinh về mặt kinh tế.

Song song với đó, Pakistan lên kế hoạch vay hơn 4 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IDB) do Ả Rập Saudi hậu thuẫn, thỏa thuận nhiều khả năng sẽ được chính phủ mới của ông Khan thông qua, sau khi ông này lên tiếp quản chính thức ghế Thủ tướng trong vài ngày tới.

Các quan chức trong nội các mới của Pakistan cũng cảnh báo nước này phải nhanh chóng cải thiện tính minh bạch của các khoản đầu tư từ Trung Quốc, trước khi Islamabad chính thức liên hệ với IMF.

Tình huống khó xử

Trao đổi với tạp chí Nikkei Asian Review, cựu Bộ trưởng Tài chính Pakistan – Hafeez Pasha nói rằng Pakistan sẽ rơi vào tình huống khó xử giữa cam kết giữ bí mật hợp đồng với Trung Quốc và yêu cầu của IMF trong việc công bố đầy đủ các khoản thanh toán ngoại tệ dự kiến.

“Nếu chúng tôi đã đồng ý giữ bí mật với người Trung Quốc, thì chúng tôi không thể tiết lộ thông tin này [cho IMF]”, ông Pasha nói. Mặt khác, “IMF sẽ muốn biết bức tranh toàn cảnh. Bạn không thể che giấu mọi thông tin với chủ ngân hàng, đặc biệt trong tình huống bạn đang rất cần tiền.”

Trong khi đó, một số quan chức cấp cao giấu tên của Pakitan cho biết với Nikkei rằng họ tin tưởng người Trung Quốc và nghiêng về kịch bản Bắc Kinh sẽ ra tay để cứu giúp Pakistan thoát khỏi đống nợ nần.

Theo một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương Pakistan, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2018 vừa qua, Trung Quốc đã cho Pakistan vay ít nhất 5 tỷ USD để gia tăng nguồn dự trữ ngoại hối của nước này.

“Người Trung Quốc có mối quan hệ sâu sắc với Pakistan”, viên chức giấu tên cho biết. “Tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục giúp Pakistan lấy lại cân bằng.”

Ở Karachi, thành phố cảng phía Nam và là trung tâm thương mại của Pakistan, một số lãnh đạo doanh nghiệp nơi đây tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Pakistan dần dần nâng cao dự trữ ngoại hối, giảm bớt sự cần thiết phải cần đến trợ giúp từ IMF.

“Họ [các doanh nghiệp] sẽ muốn tránh tiếp cận gói cứu trợ từ IMF vì điều đó đồng nghĩa với việc phải tiết lộ rất nhiều thông tin tài chính liên quan đến các dự án này”, một doanh nhân Pakistan thường xuyên đến Trung Quốc nói. “Trung Quốc sẽ không cho phép kế hoạch của IMF dẫn đến việc tiết lộ như vậy – thông tin mà sau đó có thể được khai thác bởi chính phủ Mỹ và bên thứ ba khác nhằm làm suy yếu hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Đại Lục.”

Theo Nikkei Asian Review,
Chân Hồ

Xem thêm: