Theo quy luật thị trường, như mọi loại hàng hóa khác, lãi suất là biểu hiện của giá đối với cung – cầu tiền. Bởi vậy, tăng/giảm lãi suất nhìn chung phụ thuộc vào các nhân tố sau:  cung tiền, cầu tiền (chi tiêu chính phủ),  lạm phát kỳ vọng và tỷ giá hối đoái kỳ vọng.

Tuy nhiên, nếu chiểu theo quy luật thị trường thì các nhân tố phía cung – cầu tiền, lạm phát kỳ vọng và tỷ giá kỳ vọng hiện đều biến động theo hướng làm tăng lãi suất. Các quy luật thị trường dường như đang vận động ngược lại với mong muốn chủ quan của Chính phủ trong nỗ lực giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng. Đây cũng là lý do khiến nỗ lực giảm lãi suất của Chính phủ vấp phải nhiều rào cản, khó thành hiện thực.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Chính phủ luôn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 1 – 1,5%/năm. Tuy nhiên, thực tế cho tới tháng 8/2016, mặt bằng lãi suất không giảm, mà khá “ổn định” theo nhận định của Ngân hàng thương mạ (NHNN)[1]”-Thậm chí trong các tháng cuối Quý 2, việc một số (NHTM) phải tăng nhẹ lãi suất huy động làm dấy lên lo ngại việc giảm lãi suất là không khả thi. Trong Báo cáo tình hình kinh tế Tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSCTQG) dù khẳng định có một số điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất song cũng thận trọng nhận định: “để duy trì việc giảm mặt bằng lãi suất, hệ thống ngân hàng cần phải chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm trích lập dự phòng.”

Cung tiền tăng nhưng NHTM khó giảm lãi vay do năng lực tài chính chưa phục hồi, gánh nặng nợ xấu lớn

Cung tiền bắt đầu xu hướng tăng trở lại kể từ năm 2015 và tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2016. Theo công bố của Tổng cục thống kê (TCTK), tới 20/6/2016, cung tiền (M2) đã tăng 19,5% so với cùng kỳ, là mức tăng cung tiền cao nhất kể từ năm 2011 (giai đoạn nền kinh tế phải hạn chế cung tiền để kiểm soát lạm phát). Cung tiền tăng khiến tín dụng tăng, tuy nhiên cung tiền bắt đầu có xu hướng tăng nhanh hơn tốc độ tăng của tín dụng (17,17%)[2]. Theo lý thuyết, cung tiền tăng cao, thậm chí tăng nhanh hơn tốc độ tăng của tín dụng thì mặt bằng lãi suất sẽ giảm. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong điều kiện các NHTM hoạt động lành mạnh.

Hệ thống NHTM Việt Nam có năng lực tài chính hết sức yếu nhược sau khủng hoảng, khả năng sinh lời thấp. Chỉ số thu nhập từ lãi biên NIM[3] trong 3 năm gần đây chỉ quanh mức 2,7% – 2,8%, là mức thấp so với tiêu chuẩn đánh giá của hãng xếp hạng tín nhiệm S&P (dưới 3% được hãng này khuyến cáo là rất thấp), điều này tác động tiêu cực tới khả năng sinh lời của khu vực Ngân hàng (ROA và ROE bình quân của các NHTM ước đạt 0,4% và 5,7% – là mức thấp và không cải thiện đáng kể  trong 3 năm gần đây)[4].

Mặt khác, do nợ xấu lớn và không được giải quyết triệt để trong 5 năm tái cơ cấu vừa qua, chỉ được chuyển từ bảng cân đối tài sản của NHTM sang bảng cân đối của Công ty quản lý tài sản VAMC, các NHTM chịu áp lực trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) nợ xấu hàng năm cho các khoản nợ đã bán sang cho VAMC hoặc cho cả các khoản nợ chưa bán và nợ xấu phát sinh sau đó. Điều này có nghĩa là các NHTM buộc phải tìm kiếm mức chênh lệch lãi suất cao hơn nhằm đảm bảo lãi trướctrích lập DPRR đạt mức cao nhất có thể.

Nhìn xa hơn, khi các NHTM khó khăn và đối mặt với nhiều rủi ro, việc triển khai các chính sách ưu đãi lãi suất của Chính phủ đối với một số ngành, khu vực trọng điểm sẽ khó khăn hơn do khả năng hưởng ứng và thực thi của hệ thống NHTM suy yếu.

Đây chính là nguyên nhân khiến công cụ chính sách tiền tệ của NHNN (mở rộng cung tiền) không hiệu quả trong việc giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn và năng lực cạnh tranh cho khu vực doanh nghiệp.

Cầu tiền tăng do bội chi ngân sách lớn, đẩy lãi suất tăng

Về lý thuyết, bội chi ngân sách làm cho cầu tiền tăng và làm tăng lãi suất. Sau nữa, bội chi ngân sách sẽ tác động đến tâm lý của công chúng về gia tăng mức lạm phát và sẽ gây áp lực tăng lạm phát. Thông thường, Chính phủ tài trợ cho thâm hụt ngân sách bằng cách phát hành trái phiếu. Lượng cung trái phiếu trên thị trường tăng lên làm cho giá trái phiếu có xu hướng giảm và lãi suất thị trường có xu hướng tăng. Mặt khác, do tài sản có của NHTM tăng ở khoản mục trái phiếu chính phủ, dự trữ vượt mức giảm nên lãi suất ngân hàng cũng sẽ tăng.

Như vậy, không chỉ  ở phía cung tiền, Chính phủ cũng sẽ gặp khó khăn đối với việc giảm cầu tiền trong bối cảnh bội chi ngân sách ngày một lớn, năm 2016 bội chi ngân sách dự báo có thể vượt chỉ tiêu 4,95% GDP theo kế hoạch do dự báo tăng trưởng ảm đạm.

Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 6 tháng qua ước đạt hơn 476 nghìn tỷ đồng, thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Tăng trưởng kinh tế thấp, xuất khẩu sụt giảm, thu từ dầu thô giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái…là những nguyên nhân làm giảm thu ngân sách nhà nước. Theo phân tích của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nếu tốc độ tăng trưởng GDP năm nay thấp hơn kế hoạch thì khả năng bội chi ngân sách Nhà nước trên GDP vẫn sẽ vượt 0,5% so với dự toán.

Do vậy, Chính phủ hầu như không còn dư địa chính sách tài khóa cho mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất trong năm 2016.

Lạm phát kỳ vọng tăng cao hơn so với năm 2015, lãi suất khó giảm

Khi lạm phát được dự đoán tăng trong một thời kỳ nào đó, lãi suất sẽ có xu hướng tăng. Điều này xuất phát từ mối quan hệ giữa lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa; để duy trì lãi suất thực không đổi, tỷ lệ lạm phát tăng đòi hỏi lãi suất danh nghĩa phải tăng lên tương ứng.

Trong cả năm 2016, lạm phát được nhiều khả năng ở mức 4-5% (lạm phát tổng thể), tăng cao hơn nhiều so với năm 2015 là 0,64%. Do vậy, để đảm bảo lãi suất thực dương trong bối cảnh khu vực NHTM nhiều khó khăn, tỷ lệ NIM thấp, nợ xấu lớn, mặt bằng lãi suất khó có thể hạ.

Gợi ý chính sách

Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng là mục tiêu đúng đắn và hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây sẽ là nền tảng để giảm lãi suất, kích thích đầu tư, sản xuất, hướng tới một giai đoạn tăng trưởng bền vững hơn.

Tuy nhiên, nếu các mục tiêu này buộc phải thực hiện thông qua các mệnh lệnh hành chính thì sẽ dẫn đến méo mó thị trường. Quyết tâm giảm lãi suất của Chính phủ trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa hầu như không còn khiến chúng ta nhớ đến bài học trần lãi suất cho vay giai đoạn nền kinh tế khủng hoảng. Giai đoạn đó, bất chấp trần lãi suất được áp dụng, lãi suất cho vay thực tế giữa các NHTM và doanh nghiệp rất cao, được che dấu dưới hình thức chi phí khác. Kết quả là, lãi suất thực không thể hạ, khu vực doanh nghiệp không thể khởi sắc, tính liêm chính và đạo đức ngành ngân hàng bị xói mòn, thông tin méo mó khiến các cơ quan ban ngành không thể giám sát tốt rủi ro của thị trường và hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây là bài học đắt giá trong quản lý nhà nước trong việc tôn trọng các quy luật thị trường.

Do vậy, Chính phủ nên tập trung vào giải quyết triệt để các vấn đề thiết thực của nền kinh tế như giải quyết nợ xấu khu vực NHTM, tiết giảm tối đa chi tiêu Chính phủ và giám sát tốt đầu tư công.

[1] Trong tháng 6, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. (NHNN)

[2] Điều này cũng đồng nghĩa với việc mặc dù cung tiền tăng nhanh nhưng khả năng hấp thu tín dụng của nền kinh tế thấp hơn mức tăng của cung tiền (giống giai đoạn nền kinh tế trì trệ 2011-2014); giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng tốt, tốc độ tăng của tín dụng thường cao hơn tốc độ tăng của cung tiền ( 2007-2010).

[3] Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên được tính bằng cách chia phần thu nhập từ lãi cho thu nhập tài sản bình quân. Theo như đánh giá của S&P thì tỷ lệ NIM dưới 3% được xem là thấp trong khi NIM lớn hơn 5% thì được xem là quá cao.

[4] Số liệu từ Báo cáo Chính phủ tháng 12 năm 2015 của UBGSCTQG.

Tâm Như