Hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong các hoạt động thương mại khu vực biên giới Việt – Trung.

Ngày 18/8, Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã được diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn.

hoi nghi hop tac nong san bien gioi viet trung
Các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ hợp tác thương mại biên giới. (Ảnh: baolangson.vn)

Tham gia hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ông Lê Quốc Doanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lý Vĩnh Quang cùng các lãnh đạo thị xã Bằng Tường, thuộc thành phố Sùng Tả (Trung Quốc) và hơn 200 doanh nghiệp hai bên.

Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa hai bên, tạo dựng hành lang pháp lý theo hướng khuyến khích hoạt động thương mại xuyên biên giới, kết nối doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó, hai nước cũng sẽ gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, bến bãi, kho vận… tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt – Trung. Đồng thời, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động giao thương tại khu vực biên giới.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc giao thương nông sản với Trung Quốc có rất nhiều điểm lợi, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông thủy sản của Trung Quốc còn rất lớn và đang có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý gần kề nhau và các ưu đãi về thuế quan trong hiệp định tự do thương mại Trung Quốc – ASEAN (ACFTA) đang tạo thuận lợi cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị phần tại thị trường này.

Tuy nhiên, ông La Đình Tuyến, trưởng phòng Thương mại Biên giới Việt Nam – Trung Quốc cũng lưu ý hàng Việt đang gặp cạnh tranh gay gắt từ các nước có nguồn cung tương tự như: Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… thậm chí là nguồn cung dồi dào từ thị trường nội địa của Trung Quốc, khi nước này đã bắt đầu sản xuất thanh long, chuối, dưa hấu.

Chưa kể, một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: măng cụt, sầu riêng, chanh leo… vẫn chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu vào.

Theo báo cáo tại hội nghị, thị trường Trung Quốc ngày càng có yêu cầu cao về chất lượng nông sản nhập khẩu, điều này sẽ khiến nông sản Việt Nam sẽ chịu rào cản chất lượng cao hơn.

Do đó, các đại biểu cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Trung Quốc, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi phương thức bảo quản cũng như tăng cường kiểm tra lấy mẫu các lô hàng nông sản xuất sang Trung Quốc.

Tại hội nghị, nhiều bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc cũng đã được ký kết.

Trước đó, trong nỗ lực giảm thiểu tác động từ việc bị Mỹ đánh thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã lên kế hoạch ngụy trang xuất xứ hàng hóa nước này dưới tên “made in Vietnam” nhằm né tránh thuế. Cụ thể, các sản phẩm sản xuất tại Đại Lục (thuộc danh mục bị Mỹ đánh thuế) sẽ được chuyển đến các khu vực ngoại quan đặt tại biên giới Việt – Trung để lắp ráp, sau đó được gắn nhãn “made in Vietnam” để xuất sang Hoa Kỳ.

Điều này sẽ đặt Việt Nam vào nguy cơ có thể bị vạ lây đòn trừng phạt thuế một khi bị Mỹ phát hiện hàng Việt có xuất xứ từ Trung Quốc.

Minh Sơn

Xem thêm: