Ủy ban Kinh tế cho biết chỉ nên áp dụng khoản vay đặc biệt, lãi suất 0% với ngân hàng có sự cố rút tiền hàng loạt hoặc có nguy cơ đổ vỡ. Đồng thời, cơ quan này cho rằng các biện pháp hỗ trợ “bên ngoài” nhiều cũng sẽ dễ có tâm lý ỷ lại từ các chủ ngân hàng.

nguoi dan lo lang rut tien o at scb tuyen bo khong co moi lien he voi ba truong my lan 0
Cảnh người dân muốn rút tiền phải chen chúc trước cửa SCB (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trước giờ mở cửa vào sáng ngày 8/10/2022. (Ảnh: Phan Thúy Hà/Facebook)

Theo đó, một trong những nội dung thay đổi so với luật hiện hành là các biện pháp can thiệp trong trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) bị rút tiền hàng loạt, đơn cử gần nhất như vụ ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào tháng 10/2022.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, các biện pháp nêu tại Điều 148 của dự thảo Luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ “bên ngoài”, chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà chưa có những biện pháp “tự thân” của TCTD để nhanh chóng khắc phục tình trạng rút tiền ồ ạt.

Ví dụ như vấn đề chuẩn bị tiền mặt, xử lý truyền thông, phối hợp cơ quan chức năng, bảo đảm ổn định trật tự, an toàn tại điểm giao dịch… và sau đó là củng cố quản trị, điều hành, năng lực tài chính của TCTD để ổn định lại hoạt động.

Mặt khác, đi kèm với hỗ trợ từ phía NHNN là quy định về việc được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp hỗ trợ TCTD có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại của các chủ ngân hàng, TCTD.

Theo chuyên gia kinh tế – TS. Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân tạo ra những cuộc khủng hoảng trong ngân hàng trước đây tại 3 ngân hàng OceanBank, GPBank và CB (Ngân hàng Xây dựng) dẫn đến NHNN phải mua bắt buộc với giá 0 đồng cũng có nguyên nhân một phần là do sở hữu chéo, theo báo Việt Nam Net.

Ngay cả với các ngân hàng khác, tình trạng sở hữu chéo cũng tồn tại từ rất lâu. NHNN đã tìm cách giải quyết triệt để hoặc giảm thiểu sở hữu chéo nhưng tình trạng này vẫn tồn tại dẫn đến những sai phạm.

“Sở hữu chéo là vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự tồn tại của ngân hàng. Sở hữu chéo tạo ra một nhóm quyền lực có thể thao túng ngân hàng”, ông Hiếu nhận định.

Để hợp thức hoá các khoản tín dụng, họ sẽ phải lách quy định bằng cách này hay cách khác.

Ủy ban Kinh tế đồng thời không đồng ý về quy định cơ chế xử lý rủi ro khi huy động vốn từ Bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng Hợp tác xã cho khoản vay đặc biệt.

Bởi quy định như vậy là không hợp lý, không đảm bảo nguyên tắc kế toán cũng như không rõ trách nhiệm thu hồi khoản vay của các chủ thể cho vay.

Đức Minh