Việt Nam cần được Mỹ công nhận là “nền kinh tế thị trường” bởi điều đó giúp Việt Nam được hưởng lợi lớn khi không bị đối xử như là một “nền kinh tế phi thị trường” với mức thuế cao. Trong khi đó, hành động nước đôi trên thực tế đang khiến Chính quyền Tổng thống Trump quan ngại và chưa thể xem Việt Nam là “nền kinh tế thị trường”.

thuong mai viet my
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại Nhà Trắng. (Ảnh: Gettyimages.com)

Việc bị xem là “nền kinh tế phi thị trường” đang khiến Việt Nam chịu thiệt lớn

Mỹ trước giờ luôn là thị trường nhập khẩu cá da trơn lớn nhất của Việt Nam. Năm 2016, nước này nhập khẩu hơn 390 triệu USD cá da trơn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cá tra (loại cá da trơn phổ biến) sang Mỹ đã giảm 11% trong năm 2017 xuống còn 344 triệu USD bởi Chương trình Thanh tra cá da trơn có hiệu lực từ tháng 9/2017 và áp lực thuế chống bán phá giá cao.

Theo phân tích của ông Harish Mehta – Tổng biên tập Tạp chí The Calcutta, một trong những lý do khiến Hoa Kỳ đi đến áp dụng các mức thuế cao đối với cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam là áp lực từ phía Hiệp hội nghề cá Mỹ buộc Quốc hội Hoa Kỳ phải thông qua đạo luật năm 2002 về việc cấm dán nhãn cá basa, swai và cá tra là cá da trơn ở Mỹ. Đến năm 2003, Chính quyền Mỹ tiếp tục áp đặt thuế chống bán phá giá lên cá basa, cá tra và cá swai. Căng thẳng về vấn đề cá da trơn tiếp tục được hun nóng vào năm 2008, khi một đạo luật về nông nghiệp của Mỹ đã chuyển chức năng giám sát cá từ Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ, nơi mà sự giám sát còn nghiêm ngặt hơn tại FDA.

Một lý do khác quan trọng hơn là Mỹ chưa coi Việt Nam là “nền kinh tế thị trường” nên thuế có thể bị áp cao hơn. Theo luật Hoa Kỳ, “nền kinh tế phi thị trường” được định nghĩa là “bất kỳ quốc gia nào mà chính quyền quyết định không điều hành theo nguyên tắc thị trường về cấu trúc giá hoặc định giá, do đó việc buôn bán trong các quốc gia đó không phản ánh giá trị công bằng của giao dịch.”

Hành động nước đôi của Việt Nam

Việt Nam sẽ có một chương trình nghị sự về Thương mại và Kinh tế với Mỹ trong năm nay và dự kiến sẽ tăng cường nỗ lực để có được tình trạng “nền kinh tế thị trường” vào năm 2018 hoặc trước năm 2019.

Để làm được điều đó, Việt Nam có thể phải chịu nhượng bộ ở một số lĩnh vực để được Mỹ thay đổi lập trường từ việc coi Việt Nam là “nền kinh tế phi thị trường” sang “nền kinh tế thị trường”. Đây là điều cần thiết có thể giúp ích cho Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, Mỹ không còn “lấy cớ” là nền kinh tế phi thị trường để “bắt nạt” các nhà xuất khẩu Việt Nam nữa.

Thế nhưng, những hành động nước đôi chưa dứt khoát trên thực tế có thể biến mọi nỗ lực của Việt Nam trở thành công “dã tràng se cát”.

Cụ thể mới đây là việc Việt Nam yêu cầu đối tác Tây Ban Nha – Công ty Năng lượng Repsol dừng dự án Cá Rồng Đỏ ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam do áp lực từ phía Trung Quốc. Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một năm, Việt Nam đã phải hủy bỏ kế hoạch phát triển khai thác dầu khí lớn tại biển Đông do bị áp lực mạnh từ phía “người hàng xóm”.

Hồi tháng 11/2017, Tập đoàn Dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil cũng từng tuyên bố hoãn dự án khoan dầu Cá Voi Xanh ở biển Đông mà theo Chủ tịch ExxonMobil Liam Mallon là “chưa có được thỏa thuận cụ thể”, trong khi truyền thông nước ngoài cho rằng Tập đoàn năng lượng Mỹ đã chịu sức ép từ phía Việt Nam hoặc một bên thứ ba khác.

Những động thái này từ phía Việt Nam khiến giới Phương Tây và Mỹ quan ngại khi đầu tư tại Việt Nam. Điều này cũng có thể tạo ra tiền lệ xấu trong tâm trí các nhà đầu tư nước ngoài khiến không ai còn muốn đầu tư vào Việt Nam ngoại trừ các công ty Trung Quốc.

Cũng bởi lẽ đó, tiến trình đàm phán với Mỹ để được công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ còn có khả năng bị kéo dài vì không có cơ sở thuyết phục cách điều hành của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn tuân theo quy luật thị trường.

Trump muốn giảm thâm hụt thương mại hơn 32 tỷ USD với Việt Nam

Tổng thống Trump trong hai lần gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017 và Chủ tịch Trần Đại Quang tại Hà Nội vào tháng 11/2017 đều bày tỏ quan ngại về khoản thâm hụt thương mại song phương và yêu cầu Việt Nam cần có những biện pháp để giảm thâm hụt thương mại. Dường như Chính quyền Trump muốn giảm mức thâm hụt thương mại hơn 32 tỷ USD với Việt Nam trước khi đề cập đến bất kỳ tiến trình đàm phán nào khác.

Trên thực tế, Việt Nam đang là nước hưởng lợi lớn trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Cụ thể, thương mại Việt – Mỹ đã tăng từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên 50,6 tỷ USD vào năm 2017, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 12 vào Mỹ và Mỹ cũng là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Đối với Chính quyền Tổng thống Trump, họ không hài lòng về sự mất cân bằng lớn trong quan hệ thương mại giữa hai nước khi khoản thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng từ 592 triệu USD năm 2001 lên hơn 32 tỷ USD vào năm 2017. Đây là mức thâm hụt thương mại song phương lớn thứ sáu của Mỹ (sau Trung Quốc, Nhật, Đức, Mexico và Ireland).

>> Trump áp thuế 60 tỷ USD với hàng nhập từ Trung Quốc, Bắc Kinh thề ‘chiến đấu tới cùng’

Điều này khiến Việt Nam có thể trở thành đối tượng của các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Theo ông Harish Mehta, mặc dù Chính quyền Tổng thống Trump đang bận bịu với hoạt động tái đàm phán thương mại với Canada, Mexico, Hàn Quốc và các đòn trừng phạt thương mại nhắm đến Trung Quốc, nhưng trong năm nay, rất có thể Chính quyền Trump sẽ tiếp tục hướng trọng tâm vào Việt Nam.

Tại Hội nghị phái Bảo Thủ Hoa Kỳ (CPAC) sáng ngày 23/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông không hài lòng khi chứng kiến Mỹ chịu thâm hụt mậu dịch quá lớn với Việt Nam và Việt Nam nên mua than của Mỹ để giảm bớt điều này. Trước đó trong chuyến thăm đến Việt Nam vào tháng 11/2017, ông Trump cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam mua máy bay, tên lửa của Mỹ để giải quyết thâm hụt thương mại giữa hai nước.

Hiệp định song phương tiếp tục bị trì hoãn?

Tâm điểm giữa những khác biệt trên là các cuộc đàm phán đã bị đình trệ từ tháng 6/2008 trong việc đạt được một Hiệp định Đầu tư song phương Việt – Mỹ. Có thể là những cuộc đàm phán này sẽ được nối lại trong năm nay, mặc dù cả hai bên vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức nào.

Tuy nhiên, kết quả các cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc vào những cam kết từ phía Việt Nam trong việc thúc đẩy một môi trường tự do kinh tế và vấn đề nhân quyền được cải thiện. Bởi trước khi đầu tư ra nước ngoài, Mỹ và các nhà đầu tư nước ngoài khác muốn biết liệu có hiệp định đầu tư song phương hay không vì nó cung cấp sự bảo đảm về mặt pháp lý quan trọng cho các công dân và công ty của một quốc gia khi đầu tư vào một nước khác. Đặc biệt trong tình huống gần đây Việt Nam luôn đơn phương chấm dứt các thỏa thuận với đối tác nước ngoài vì áp lực từ bên thứ ba.

Do đó, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là với một Chính quyền Trump có xu hướng ngày càng gia tăng bảo hộ thương mại, Việt Nam cần chứng minh được đường lối chính sách kinh tế không phụ thuộc một bên thứ ba nào và điều hành theo quy luật vận hành của thị trường bằng cách hạn chế sử dụng các biện pháp chính thức lẫn phi chính thức để quản lý nền kinh tế.

Liên Hương – Chân Hồ

Xem thêm: