Việc cắt giảm thuế về 0% theo biểu thuế mới sẽ khiến hàng hóa Việt Nam vốn đang rất khó cạnh tranh được với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, Thái Lan lại càng khó chồng thêm khó.

hang nhap khau tu trung quoc
Hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường. (Ảnh: Loozrboy/Flickr)

Bộ Tài chính vừa công bố 10 Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.

Đáng chú ý, với Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), năm 2018 sẽ có 588 dòng thuế được cắt giảm từ mức 5% năm 2017 về 0%, chủ yếu là các mặt hàng chính như: sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử, nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo, cà phê, chè nguyên liệu, chế biến thực phẩm…

Với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được giảm thuế về 0%, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Trong năm 2017, ASEAN cùng với Trung Quốc là hai trong số những thị trường mà Việt Nam bị thâm hụt thương mại nhiều nhất. Việc cắt giảm thuế về 0% theo biểu thuế mới sẽ khiến hàng hóa Việt Nam vốn đang rất khó cạnh tranh được với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, Thái Lan lại càng khó chồng thêm khó.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước còn phải gánh chịu hàng loạt áp lực đến từ chính sách như việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12% từ đầu năm 2019; hay như đề xuất tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có đề xuất việc đánh thuế lãi vay của doanh nghiệp; đề xuất tăng thuế môi trường trên xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít… Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ không thể giảm mà còn phải tăng lên; khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp bị hạn chế.

Đó là một “cuộc chiến không cân sức” dành cho các doanh nghiệp trong nước khi họ đang phải gánh chịu áp lực kép đến từ các đối thủ bên ngoài lẫn các chính sách từ bên trong. Sự thất thủ của hàng Việt trên sân nhà sẽ mở đường cho hàng Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và nhiều nước có quan hệ FTA với Việt Nam tràn ngập thị trường.

Đáng chú ý, việc xâm nhập thị trường của Trung Quốc vào Việt Nam đang diễn ra trên quy mô rộng, từ sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu đến đầu ra của sản phẩm, sự phụ thuộc của nông dân, nông sản Việt Nam vào các thương lái Trung Quốc cho đến việc hàng giả, hàng nhái Trung Quốc tràn ngập thị trường với mức giá rẻ, chủng loại phong phú; việc xuất khẩu công nghệ lạc hậu, máy móc cũ sang Việt Nam, một mặt vừa giúp Trung Quốc xử lý “rác” công nghiệp vốn là vấn đề nhức nhối của Bắc Kinh do giai đoạn phát triển nóng trước đó gây ra, một mặt khiến năng suất, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam suy yếu vì sử dụng công nghệ nhập khẩu lạc hậu, đồng thời cũng là hiểm họa gây ô nhiễm môi trường.

Trung Quốc cũng đang “mượn” thị trường Việt Nam làm trung gian để xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường khó tính nhằm hưởng ưu đãi thuế mà Việt Nam đang có với các nước. Điều này gây ra tác hại kép: sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc cạnh tranh trực diện với chính các công ty xuất khẩu Việt Nam, mặt khác, có thể ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng và hình ảnh sản phẩm Made in Vietnam một khi các nước nhập khẩu phát hiện ra hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt.

Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khẳng định rằng có một lượng lớn thép Trung Quốc đang “đội lốt” thép Việt để hưởng chênh lệch thuế và cho biết sẽ áp mức thuế cao, có thể lên tới 238% đối với tôn mạ và 531% đối với thép cuộn cán nguội nhập khẩu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.

Điều đáng nói là doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không được hưởng lợi gì từ xuất khẩu thép của Trung Quốc vào Mỹ nhưng cũng bị vạ lây, bởi trên cơ sở quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Hải quan Hoa Kỳ cho biết họ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc. Doanh nghiệp phải mất thời gian và các thủ tục cần thiết để chứng minh sản phẩm của mình không có xuất xứ từ Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng bày tỏ lo ngại về việc nhiều FTA có thể khiến Việt Nam thành “bia đỡ đạn” nếu chỉ xuất khẩu hộ, theo tiêu chuẩn của đối tác.

Ngoài ra, việc thực thi chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia cung cấp dịch vụ qua biên giới đang đẩy nhiều doanh nghiệp Việt, hàng Việt vào bờ vực phá sản do không thể cạnh tranh được cả về quy mô vốn cũng như chính sách ưu đãi. Đơn cử, các doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được thuê đất với giá rất rẻ và các chính sách dọn đường khác, trong khi đó, để đảm bảo nguồn thu ngân sách, các doanh nghiệp trong nước thường xuyên bị thanh tra, ấn định lại thuế, truy thu thuế.

6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 16 cuộc thanh tra doanh nghiệp; Cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 36.700 doanh nghiệp; Cơ quan Hải quan thực hiện gần 3.900 cuộc kiểm tra sau thông quan; các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Nhà nước, Chứng khoán Nhà nước, Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch.

Trên thực tế, đã có không ít doanh nghiệp Việt phải bỏ cuộc do môi trường kinh doanh quá khắc nghiệt. Thêm vào đó các “bàn tay ngoại” đang không ngừng tìm cách gia tăng ảnh hưởng và thâu gom cổ phiếu của các công ty nội làm ăn hiệu quả, cùng với tiến trình cổ phần hóa các DNNN đang được đẩy mạnh trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước đang bộc lộ hai xu hướng: một mặt các doanh nghiệp tư nhân bị các điều kiện kinh doanh trói buộc, sức ép thuế phí lẫn áp lực cạnh tranh đến từ các đối thủ bên ngoài đang “bóp nghẹt” sức sống; trong khi các DNNN tiếp tục thua lỗ trong các dự án đầu tư không hiệu quả, một số ít DNNN làm ăn hiệu quả thì lại đang bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư ngoại.

Nếu không có những chính sách thông thoáng, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nội địa, việc chúng ta đứng nhìn người ngoài “chơi bóng trên sân nhà” và đi “nhặt bóng” thay cho họ là một nguy cơ hiện hữu.

Minh Sơn

Xem thêm: