Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế thì việc Hải Phòng quyết định thu phí sử dụng hạ tầng tại cảng Hải Phòng là một gánh nặng bất ngờ đè lên vai doanh nghiệp. Hơn nữa, nỗ lực kết nối một cửa quốc gia với các quốc gia trong khu vực có nguy cơ chỉ còn là “bản thảo”.

hai phong thu phi cang bien
(Ảnh minh họa: pixabay.com)

Trong bối cảnh xuất khẩu Việt Nam dự báo không mấy khả quan trong năm 2017 do tăng trưởng chậm lại, tổng cầu thế giới tiếp tục giảm, giá hàng hóa thực phẩm, nông sản chưa phục hồi, bất ổn địa – chính trị tăng cao có thể tác động tiêu cực tới xuất khẩu trong nước, thì Hải Phòng – địa phương có cảng biển lớn nhất miền Bắc, lớn thứ hai Việt Nam quyết định áp thêm phí cho các hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng này, tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp, có thể xóa mòn năng lực cạnh tranh vốn yếu của khu vực này trên thị trường quốc tế.

Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP. Hải phòng ban hành ngày 13/12/2016 (Nghị quyết 148) quy định thu phí với tất cả hàng hóa tạm nhập – tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu tại Chi cục Hải quan Hải Phòng, trừ những trường hợp được miễn phí như hàng hóa phục vụ nhiệm vụ an ninh – quốc phòng; hàng hóa viện trợ, cứu trợ nhân đạo. Mức thu đối với hàng gửi kho ngoại quan, từ 2.200.000 đồng/container 20 feet, 4.400.000 đồng/container 40 feet, 50.000 đồng/tấn hàng rời. Mức thu đối với hàng xuất nhập khẩu tại cảng là 250.000 đồng/container 20 feet, 500.000 đồng/container.

Đội thêm chi phí logistic vốn đã rất cao, gián tiếp giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu

Như vậy, từ ngày 1/1/2017, mỗi container tại kho ngoại quan (20 feet) được cộng thêm mức phí gần 100 USD vào tổng chi phí. Điều đáng nói là, chi phí logistic ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, chiếm tới 21-25% GDP của Việt Nam, tương đương với 37-40 tỷ USD/năm.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics chiếm rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam: ngành thủy sản chi phí logistic chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành. Mức chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới ba lần. Chi phí logistics quá cao đã gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp, kéo dài thời gian thông quan, làm phình bộ máy

Hải Phòng bắt đầu thực hiện thu phí từ ngày 2/1/2017, UBND quận Hải An là đơn vị được ủy quyền thu phí. Đơn vị này đã thiết lập 13 điểm thu phí với tổng số cán bộ, nhân viên lên tới gần 100 người. Tất cả các điểm thu được đặt tại Khách sạn Duyên Hải, cảng Hải An, cảng Đình Vũ, Tân Cảng, cảng VIP Green Port, tòa nhà Thành Đạt, tòa nhà Sơn Hải…

Theo khảo sát nhanh từ các hiệp hội doanh nghiệp, để thực hiện xong việc nộp phí/1 lần thông quan, mỗi doanh nghiệp phải bố trí ít nhất một nhân viên chuyên trách và 90 phút để hoàn tất nộp phí. Nếu việc nộp phí diễn ra cuối ngày, doanh nghiệp còn phát sinh chi phí lưu kho, bãi qua ít nhất 1 đêm; bị chậm hàng, đình đốn kinh doanh… do không kịp giờ làm thủ tục thông quan.

Như vậy, trong khi Việt Nam đang phấn đấu thực hiện cam kết kết nối một cửa quốc gia với các nước ASEAN, bao gồm cả việc củng cố, hoàn thiện và mở rộng triển khai kết nối một cửa cho tất cả các thủ tục hành chính có liên quan đến hàng hóa XK, NK, quá cảnh, thì Hải Phòng – nơi có cảng biến lớn thứ hai cả nước – lại quyết định thu phí và bổ sung thủ tục hành chính riêng cho hàng hóa qua đây.

Trên thực tế, việc địa phương tự thu những phí riêng cho hàng hóa xuất nhập khẩu đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Mức phí được các địa phương quy định khác nhau, không rõ kết cấu, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Thêm vào đó, hiện tượng phí chồng phí không phải là hiếm, hàng hóa có khi phải trả hai lần phí. Chính sự tình này đang kéo chậm quá trình thông quan, làm tăng chi phí logistics của doanh nghiệp, khiến cơ chế một cửa quốc gia không còn khả thi.

Nguyên Hương

Xem thêm: