Mặc dù vấn đề giấy phép hoạt động chính thức đối với Go-Việt đến nay vẫn đang còn là một dấu hỏi lớn, tuy nhiên, sau chương trình khai trương quy mô tại Hà Nội vào tuần trước, Go-Việt lại bắt đầu tuyển dụng tài xế – mà hãng gọi là “đối tác” – cho dịch vụ Go-Car.

go Viet
(Ảnh qua: cnnindonesia.com)

Vấn đề giấy phép của Go-Car

Ngày 13/9 vừa qua, hãng ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia đã tổ chức khai trương chính thức dịch vụ tại thị trường Việt Nam thông qua đối tác bản địa Go-Việt.

Buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam Nguyễn Văn Thể, được diễn ra trong bối cảnh vấn đề giấy phép của Go-Việt cho đến tận thời điểm khai trương vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Theo đó, những nghi vấn về phần mềm Go-Việt đã được cấp phép chưa? Do đơn vị nào cấp (Bộ GTVT hay Bộ Công thương?) đều chưa được Bộ GTVT lên tiếng về đơn vị này.

Hiện trong danh sách 10 ứng dụng gọi xe đang được cấp phép hoạt động tại Việt Nam cũng hoàn toàn chưa thấy tên Go-Việt.

Thêm vào đó, mặc dù Go-Việt mới chỉ ra mắt thị trường Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn và còn chưa có doanh thu, nhưng công ty này đã nộp tới 1,5 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan thuế. Trong khi trên thực tế, vốn điều lệ của Go-Việt chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng.

Điều này khiến giới chuyên gia cho là một điều bất thường: “Một công ty chưa có doanh thu mà sao trả tiền cho nhân viên hậu hĩnh thế? Phải chăng đây là chi phí bôi trơn để có được lễ ra mắt không cần giấy phép?”, một chuyên gia về giao thông nhận định.

Gọi tài xế là “đối tác” liệu có đúng

Go-Car
Thủ tục đăng ký làm tài xế Go-Car được Go-Việt đăng tải. (Ảnh: Go-Việt)

Trong nội dung tuyển dụng của Go-Việt được đăng tải trên mạng xã hội Facebook, hãng ứng dụng gọi xe công nghệ gọi các tài xế Go-Car mà mình chiêu mộ là “đối tác”. Trong khi theo Đề án 24 về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, “đối tác” của các ứng dụng gọi xe công nghệ phải là các đơn vị vận tải như: hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải.

Cách gọi này của Go-Việt cũng tương tự Grab trước đó trực tiếp chiêu mộ đối tác là các tài xế sở hữu xe cá nhân, chứ không phải là các đơn vị vận tải. Và đối với các tài xế, họ hiểu là đang làm việc cho Grab chứ không phải cho một đơn vị vận tải nào khác.

Điều này là sai phạm về hành vi thương mại bởi Đề án 24 chỉ cho phép các đơn vị như GrabTaxi và Go-Việt là đơn vị phần mềm, kết nối hành khách với các đơn vị vận tải xe hợp đồng, nhưng trên thực tế các hãng này đang hoạt động dưới chức năng như một đơn vị vận tải.

Đáng lưu ý, mặc dù sai nguyên tắc về việc đánh đồng “tài xế” thành “đối tác”, việc làm không phù hợp này vẫn được Grab thực hiện trong một quãng thời gian dài và bây giờ đến lượt Go-Việt. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi vai trò của Bộ GTVT ở đâu khi để xảy ra tình trạng này, liệu rằng có hay không sự “phớt lờ” từ phía cơ quan quản lý?

Tuệ Kha

Xem thêm: