Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo Kiểm toán ngân sách cho biết trần giải ngân vốn vay ưu đãi từ nước ngoài (ODA) trung hạn đã bị vượt gần 37.000 tỷ đồng.

tuyen duong sat metro 1
Một tuyến đường sắt Metro tại TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Minh)

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước dẫn Báo cáo số 46 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nhu cầu vay vốn nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020 cần bổ sung thêm là 109.630 tỷ đồng, trong đó khoản phát sinh thêm không nằm trong kế hoạch đầu tư công là khoảng 72.680 tỷ đồng, chiếm 66%.

Khoản vốn tăng thêm này bao gồm:

  • 19 dự án đã ký hiệp định vay vốn nhưng chưa đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng vốn vay nước ngoài gần 2 tỷ USD, ước giải ngân đến năm 2020 đạt khoảng 19.400 tỷ đồng.
  • 44 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn vay nước ngoài khoảng 3,8 tỷ USD, ước giải ngân đến năm 2020 khoảng 12.100 tỷ đồng.
  • 36 dự án mới của các bộ, ngành, địa phương với tổng vốn vay nước ngoài được phê duyệt gần 2,9 tỷ USD.

Các khoản phát sinh thêm không thể không kể đến các dự án đang thực hiện phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, cần bổ sung dự toán khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó riêng dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên tại TP.HCM tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số dự án đường cao tốc chuyển đổi hình thức từ cho vay lại sang Nhà nước đầu tư trực tiếp cũng sẽ cần bổ sung thêm khoảng 33.650 tỷ đồng, nếu được Quốc hội thông qua.

>> Vi phạm chi tiêu ngân sách, hàng trăm cán bộ bị cách chức

Ngoài ra, còn có các dự án đã giải ngân từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa được quyết toán 14.034 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua cho phép bổ sung vào kế hoạch trung hạn.

Tổng cộng, các khoản giải ngân trên (không bao gồm khoản bổ sung để quyết toán cho các dự án từ năm 2016 trở về trước) có thể lên đến 306.950 tỷ đồng, vượt 36.950 tỷ đồng so với hạn mức đã giao 270.000 tỷ đồng (đã trừ 10% dự phòng) và vượt 6.950 tỷ so với hạn mức vốn trung hạn 300.000 tỷ đồng do Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước còn cho biết việc giao 22.010 tỷ đồng cho 4 dự án của Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VEC) là chưa tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị chỉ ra một số tồn tại trong việc giao vốn không đúng Luật Đầu tư công, chưa tuân thủ nguyên tắc phân bổ vốn theo chỉ thị của Thủ tướng và giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương chưa đúng đối tượng, vượt tỷ lệ quy định…

Tường Văn

Xem thêm: