Theo người chăn nuôi, giá thức ăn cho gia súc – gia cầm đã tăng phi mã trong thời gian qua, khiến giá bán hiện không đủ bù tiền cám. Việc thua lỗ liên tục khiến nhiều hộ chăn nuôi phải giảm số lượng đàn hoặc bỏ chuồng không nuôi tiếp.

hung yen nuoi heo tinh hung yen gia thuc an chan nuoi tang phi ma scaled
Giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, giá bán heo thấp khiến người dân bỏ đàn. (Ảnh minh họa: hungyen.gov.vn)

Theo ghi nhận, huyện Văn Giang là vùng chăn nuôi tập trung lớn của tỉnh Hưng Yên. Trong đó, nghề chăn nuôi heo chiếm tỷ trọng tới 70% doanh thu về nông nghiệp. Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện này vừa cho biết hiện nuôi heo theo hình thức nào cũng lỗ từ 800.000 – 1.500.000 đồng/con, báo Nông Nghiệp đưa tin.

Theo vị này, heo hơi thời điểm này đang được bán với giá 48.000 đồng/kg, nghĩa là nuôi được một con heo từ lúc cai sữa khoảng 7 kg đến lúc xuất chuồng tầm một tạ bán được 4,8 triệu đồng.

Trong khi đó giá thành của con heo đó bao gồm: 1 triệu đồng tiền giống, hơn 4,5 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi. Nghĩa là chưa tính tiền thuốc thú y, chưa tính công chăm sóc, điện nước và loạt chi phí đầu vào khác thì người nuôi heo ở Văn Giang đã lỗ ít nhất 800.000 – 1 triệu đồng/con.

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX Chăn nuôi Chiến Thắng (xã Xuân Quan) cho hay: “Giá thức ăn chăn nuôi tăng khủng khiếp quá nên người chăn nuôi mới không tài nào trụ nổi. Nói cách khác, lỗ lãi một con heo bây giờ phụ thuộc hết vào giá cám”.

Theo ông Hùng, “Chỉ trong vòng có 2 năm mà tiền cám trên một đầu heo tăng từ 3 triệu đồng lên thành 4,5 thậm chí 4,8 triệu đồng… Càng nuôi càng lỗ, nuôi heo sề lỗ ít, nuôi heo thị lỗ nhiều”.

Còn tại Hà Nam, ông Trần Văn Khanh cho biết trước đây thường duy trì khoảng 100 con mỗi lứa, nhưng nay chì còn vài cặp heo lớn và vài heo con. Theo ông Khanh, nguyên nhân khiến người dân không còn “mặn mà” với gia súc, gia cầm nữa là do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh, báo Lao Động đưa tin.

Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng đã tăng 50-70% so với thời gian trước, đã “ăn sâu” vào phần lãi của người dân.

Ông Khanh cho biết thêm một bao cám 25kg được bán với giá 350.000 đồng, so với năm ngoái đã tăng lên gần gấp đôi, mỗi con heo khi xuất chuồng nặng hơn 1 tạ, tiền cám đã hơn 4 triệu, cộng với tiền giống, vaccine, kiểm dịch, chưa kể công chăm sóc cũng đã lỗ mất từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng/con.

Theo TS. Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, để cứu ngành chăn nuôi khỏi thua lỗ cần phải hỗ trợ tín dụng người dân và doanh nghiệp chăn nuôi. Đồng thời miễn giảm những chi phí sản xuất, chăn nuôi như vaccine, kiểm dịch.

Số liệu thống kê của ngành hải quan cho thấy giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu 2 tháng đầu năm 2023 đạt 827 triệu USD, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, các loại nguyên liệu như bắp, đậu nành, lúa mì đều tăng mạnh về giá trị do giá nhập khẩu tăng. Đáng kể nhất là đậu nành tuy giảm 0,9% về lượng nhưng tăng gần 17% về giá trị so với cùng kỳ.

GS, TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam phân tích ngành chăn nuôi của Việt Nam nhiều năm qua phụ thuộc vào nguồn đạm từ bánh đậu nành nhập khẩu.

Trong khi đó, Việt Nam có bờ biển dài và ngành đánh bắt hải sản nhưng nguồn đạm từ bột cá giá rẻ hơn so với bánh đậu nành lại chưa được tận dụng tốt để làm thức ăn chăn nuôi.

Trọng Minh