Thông tin trên được Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Phạm Thành Kiên đưa ra tại kỳ họp kinh tế – xã hội thành phố trong tháng 4.

gia dien tang
Giá điện, giá xăng tăng không ảnh hưởng đến sản xuất. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Ngày 10/5, UBND TP.HCM tổ chức kỳ họp kinh tế – xã hội tháng 4, trong đó có đề cập đến các vấn đề được nhiều người quan tâm như giá xăng, điện tăng; dịch tả lợn châu Phi,…

Ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công Thương cho biết giá xăng, giá điện tăng nhưng chưa ảnh hưởng đến sản xuất.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng được điều chỉnh tăng 5 lần. Theo phản hồi từ doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, giá xăng tăng tuy có ảnh hưởng đến sản xuất nhưng không nhiều. Bởi vì xăng, dầu chiếm 1% cơ cấu giá thành.

Việc tăng giá chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh nguồn nguyên liệu để đảm bảo thu nhập doanh nghiệp” – ông Kiên nói.

Chia sẻ phản hồi từ các doanh nghiệp về giá điện tăng, theo ông Kiên, trong lĩnh vực cơ khí, đa số doanh nghiệp cho rằng điều chỉnh tăng giá điện có ảnh hưởng đến thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là hợp đồng ký đầu năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cơ khí cho biết giá điện chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.

Các doanh nghiệp sẽ phối hợp với công ty điện lực để có phương án tiết kiệm điện trong sản xuất. Sở sẽ tiếp tục trao đổi doanh nghiệp nắm thông tin và báo cáo UBND thành phố” – ông Kiên cho hay.

TP.HCM cấp tập đối phó dịch tả lợn châu Phi

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Trần Ngọc Hổ cho biết dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 2 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Tỉnh Bình Phước cũng phát sinh một ổ dịch.

Theo ông Hổ, TP.HCM được đánh giá là bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch. Thành phố hiện có 4.000 hộ chăn nuôi heo (gần 280.000 con), trong đó có 300 hộ nuôi nhỏ lẻ lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, không nấu chín, cho heo ăn nên khả năng lây lan cao.

Theo đó, thành phố thực hiện 3 giải pháp để ứng phó, gồm:

  • Lập kênh chia sẻ thông tin chính xác, thống nhất với các tỉnh giáp ranh để có biện pháp ngăn ngừa;
  • Tăng cường kiểm soát ở các cửa ngõ vì có 45-50% heo cung cấp cho TP.HCM đến từ Đồng Nai, tổ chức các trạm tạm thời ở vùng giáp ranh như cầu Phú Long, cầu Bến Súc;
  • Kiểm soát trong nội bộ, không để giết mổ trái phép và tập trung tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho hay chiều qua, thành phố đã họp khẩn với các sở ngành để giao nhiệm vụ cụ thể đối phó bệnh dịch.

Các quận huyện phải lấy mẫu thường xuyên để kiểm tra vì tình trạng giết mổ lậu vẫn xảy ra. Quận huyện nào để xảy ra tình trạng này lãnh đạo phải chịu trách nhiệm” – ông Liêm nói.

Bức xúc vì hàng loạt dự án đang bị đắp chiếu

Tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ bức xúc vì hàng loạt dự án đang đắp chiếu.

Theo ông Phong, mặc dù tốc độ phát triển kinh tế của TP.HCM đạt hơn 8% mỗi năm nhưng hiện số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt được 1 triệu USD. Điều đó làm giảm tính cạnh tranh, chưa tác động mạnh mẽ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Ông Phong yêu cầu các đơn vị phải tập trung tháo gỡ nhiều dự án để tạo cú hích, đẩy mạnh thu hút đầu tư, như: Khu phức hợp Lotte ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), SaiGon Sports City (quận 2), Trung tâm hội chợ triển lãm (Quận 2),…

Đã thảo luận, làm việc và chỉ ra điểm vướng. Vậy tại sao dự án không chuyển động? Nhiều dự án chững lại, thậm chí còn nằm trên giấy. Tôi thấy xót lắm” – ông Phong nói và cho biết lý do không tạo được sự chuyển động là việc chỉ đạo giữa các sở – ngành, quận – huyện rời rạc, không tập trung.

TP.HCM nói năm 2019 là năm cải cách mạnh mẽ hành chính nhưng sở – ngành, quận – huyện chỉ đạo không có kết quả. Đã bốn tháng mà không tạo được sự chuyển động mạnh mẽ” – ông Phong cho biết và yêu cầu các sở ngành chọn một số công trình để giải quyết. Với những vướng mắc trong thủ tục thuộc thẩm quyền của trung ương, thành phố cũng phải làm chứ không dừng lại ở việc gửi văn bản xong rồi bình thản ngồi chờ.

Hoàng Minh

Xem thêm: