Ngày 30/11, giá dầu Brent đã lên trên 50 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đồng ý hạn chế sản lượng sản xuất nhằm cứu vãn giá dầu.

gia-dau-tang
Giá dầu thế giới tăng gần 10% sau thỏa thuận lịch sử của OPEC. (Ảnh: qua cafef.vn)

Các nước OPEC là khu vực chiếm hơn 30% nguồn cung dầu toàn cầu, đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương giảm khoảng 3%, từ 33,64 trệu thùng/ngày xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017.

Ảrập Xêút là nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC cho biết sẽ nhận phần lớn hạn mức cắt giảm này, với mức giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày xuống còn 10,06 triệu thùng/ngày. Nước sản xuất lớn thứ hai OPEC là Iraq cũng đồng ý giảm sản lượng 200.000 thùng/ngày xuống còn 4,351 triệu thùng/ngày. Hạn mức cắt giảm còn lại sẽ phân bổ cho các nước còn lại.

Riêng Iran do cần lấy lại thị phần đã mất sau nhiều năm chịu cấm vận thì được cho phép tăng nhẹ từ mức tháng 10.

OPEC cũng cho biết sẽ gặp gỡ với các nhà sản xuất không thuộc OPEC vào ngày 9/12 tới để bàn về thỏa thuận kiểm soát nguồn cung để cứu vãn giá dầu. Nga tuy không thuộc OPEC, vốn đã đẩy sản xuất tới mức cao kỷ lục trong thời gian qua để bù đắp thâm hụt ngân sách cũng đã đồng ý cắt giảm sản lượng 300.000 thùng/ngày.

Ngay sau khi có thông tin trên, giá dầu thô trên thị trường thế giới bật tăng rất mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 1/12 (giờ Hà Nội), giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 1/2017 tiếp tục tăng lên 49,49 USD/thùng. Trong phiên trước đó, giá dầu WTI đã tăng hơn 10%, mức tăng lớn nhất trong 1 tháng kể từ tháng 2.

Tương tự, giá dầu Brent giao tháng 1/2017 (LCOc1) cũng tăng 4,09 USD/thùng, tương đương tăng 8,82%, lên 50,47 USD/thùng, trong khi dầu Brent giao tháng 2/2017 (LCOc2) tăng 8,9% lên 51,51 USD/thùng.

Các chuyên gia cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng nhờ thỏa thuận này, nhưng mức độ tăng sẽ được giới hạn khi thị trường vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm trên thực tế, bởi thực tế trước đây cho thấy, không phải tất cả các nhà sản xuất đều tuân thủ cắt giảm nguồn cung.

Giá dầu ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam

Thực ra, cuộc chiến tranh dầu mỏ là cuộc chơi của những nước lớn, trước đây Nga đã bị thiệt hại nặng nề vì cuộc chiến này, giá dầu thấp trong một thời gian dài đã cản trở tham vọng của Nga tại Đông Âu. Đối với Iran cũng là một áp lực cùng với lệnh cấm vận của Phương Tây.

Giá dầu thấp cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu cần năng lượng giá rẻ, từ đó giảm giá thành, thực tế đã chứng minh trong thời gian giá dầu xuống thì hàng hóa nói chung như: đồng, sắt thép, các nguyên liệu khai khoáng, kể cả vàng và giá các nông sản thực phẩm toàn cầu cũng giảm, giúp cho người tiêu dùng tăng khả dụng gián tiếp.

Đối với kinh tế Mỹ, cứ giảm 10 USD/thùng thì GDP tăng 0,1%, do giảm chi phí sản xuất, có tác động đến kinh tế rất lớn. Nhưng đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ thì giá sụt giảm lại là thảm họa, vì vậy họ luôn mong đợi giá dầu tăng.

Việt Nam trước đây khi xuất khẩu dầu thô chiếm gần 1/4 ngân sách thì cũng tính là nước xuất khẩu dầu mỏ, nhưng đến nay xuất khẩu dầu thô chỉ còn chiếm 10% ngân sách nhà nước, nên tác động từ giá dầu cũng không quá áp lực. Thực tế hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 16 triệu tấn dầu thô, nhưng cũng nhập 10 triệu tấn sản phẩm xăng dầu.

Vậy khi giá dầu thô thế giới tăng thì thu từ bán dầu của Việt Nam cũng tăng, ngân sách lợi khi giá dầu tăng, thực tế giá dầu tăng 1 USD sẽ khiến ngân sách tăng 46 – 56 triệu USD (tương đương khoảng 1.000 – 1.200 tỷ đồng).

Còn đối với một số doanh nghiệp xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất xăng sinh học đang khó khăn vì dầu xuống dốc, giá xăng sinh học của họ sản xuất ra không cạnh tranh được với xăng khoáng, nhiều nhà máy đang lỗ chồng chất, thì đây lại là một tín hiệu mừng.

Nhưng khi giá dầu tăng thì nền kinh tế Việt Nam cũng chịu thiệt khi phải nhập khẩu 10 triệu tấn/năm. Giá dầu tăng sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng, thiệt hại trực tiếp do giá dầu tăng là rất rõ nét.

Tâm Sáng

Xem thêm: