Giá dầu tiếp tục xuống thấp, đi ngược lại các dự báo từ hồi đầu năm ở mức 60$/thùng và bất chấp việc OPEC cắt giảm đáng kể sản lượng dầu. Nguyên nhân chủ yếu do Mỹ tăng sản lượng khai thác. Nhưng tình trạng dư cung dầu cho thấy sản xuất và tiêu thụ toàn cầu còn yếu, tác động rủi ro tài chính sẽ lan tỏa rộng hơn giữa các hãng năng lượng lớn tới khu vực ngân hàng.

(Ảnh: express-k.kz)
(Ảnh: express-k.kz)

Với Việt Nam, tăng trưởng sẽ tiếp tục thấp hơn kỳ vọng bởi ngành khai khoáng tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ giá dầu thô xuống thấp hơn mức chi phí khai thác của phần lớn mỏ dầu mà Việt Nam đang sở hữu.

Trước khi đóng cửa vào ngày thứ Ba, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, xuống dưới 48 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn một tháng vừa qua.

Giá dầu ngọt tại Mỹ (WTI) và dầu thô Brent đều giảm hơn 2%. Mặc dù Nga và Opec đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô, giá dầu vẫn giảm mạnh vào phiên giao dịch trước do sản lượng dầu của các nước Mỹ, Canada và Libya đều tăng.

Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ giảm 1,35 đô la tức 2,8% xuống mức 47,79 USD/thùng vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ Ba, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27 tháng 3. Giá dầu Brent giảm 1,15 đô la tức 2,2% xuống mức 50,37 USD/thùng.

Ông John Kilduff, đồng sáng lập Quỹ đầu cơ Năng lượng Again Capital, nói với phóng viên Bloomberg rằng thủ tướng Libya và lực lượng đối lập đã đi đến thỏa thuận thành lập một hội đồng chia sẻ quyền lực chung.

Cuộc nội chiến Libya khiến các mỏ dầu bị đóng cửa và những đường ống dẫn dầu bị gián đoạn đã làm sản lượng dầu mỏ quốc gia này sụt giảm. Libya là một trong hai nước thành viên OPEC không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của các nước thành viên OPEC. Thỏa thuận này yêu cầu các nước thành viên cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu một ngày trong nửa đầu năm 2017.

“Điều đó tức là sản lượng và xuất khẩu dầu mỏ của Libya sẽ tăng trong vài tháng tới, làm tăng nguồn cung trên thị trường vốn đã dư cung,” ông Andy Lipow, chủ tịch Hiệp hội dầu Lipow cho hay.

Theo Reuters, “Hôm thứ Hai, Công ty Dầu khí Quốc gia Libya cho biết sản lượng dầu thô của nước này đã tăng đến mức cao nhất kể từ tháng 12/2014 và cho biết nước này sẽ tiếp tục tăng sản lượng. Điều này khiến giá dầu trên thị trường sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm.”

Ông Roberto Friedlander, trưởng trung tâm giao dịch năng lượng tại Công ty Chứng khoán Seaport Global, cũng nhắc đến lời bình luận của Thái tử thứ hai của Saudi rằng Riyadh có thể sẵn sàng tái khởi động cuộc chiến giành thị trường với các nhà cung cấp dầu.

“Tin tức về việc giá dầu giảm không đơn giản chỉ là một dòng tin thời sự mà là về nỗi lo sợ có thể thành sự thật; chúng ta đã chứng kiến sản lượng dầu không giảm và xuất khẩu lại tăng lên,” Friedlander nói.

Sản lượng khai thác dầu của Mỹ “tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ” và thị trường sẽ vẫn dư cung do cầu về các sản phẩm lọc dầu ở mức thấp, ông nói tiếp.

Giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo về sản lượng dầu thô của Mỹ và trữ lượng nhiên liệu chất đốt công bố ngày 3/5 (theo giờ Mỹ).

Theo thăm dò của Reuters, các nhà phân tích dự đoán trữ lượng dầu thô giảm 2,2 triệu thùng nhưng lượng dự trữ chất đốt sẽ tăng lên.

Liên Hương

Xem thêm: