Giá dầu thô thế giới hiện đã giảm xuống dưới 45 USD/thùng – mức thấp nhất trong 7 tháng, bất chấp việc OPEC vừa mới đạt được thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng đến hết quý I/2018.

Ngày 24/5, các nước thành viên OPEC trừ Lybia và Nigeria tiếp tục đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng mỗi ngày thêm 9 tháng, cho đến hết quý I/2018. Tuy nhiên quyết định cắt giảm này vẫn chưa đạt được mục đích hỗ trợ giá dầu như OPEC kỳ vọng. Ngược lại, theo trang MarketWatch cho biết, giá dầu thô trên thế giới đã sụt giảm trong 4 tuần liên tiếp – chuỗi sụt giảm dài nhất trong gần 2 năm trở lại đây. Trong tuần, giá dầu có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng và hiện ở mức dưới 45 USD/thùng.

Biểu đồ biến động giá dầu trong một năm qua. (Nguồn: Bloomberg)
Biểu đồ biến động giá dầu trong một năm qua. (Nguồn: Bloomberg)

Giá dầu giảm do lượng cung dồi dào

Nguyên nhân chính của sự giảm giá này là do lượng cung dầu từ Mỹ và các quốc gia khác vẫn tăng mạnh, bất chấp việc OPEC gia hạn cắt giảm sản lượng.

Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes công bố hôm thứ Sáu (16/6), số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ tăng thêm 6 giàn lên 747 giàn trong tuần tính đến hết ngày 16/6, qua đó cho thấy đà leo dốc của sản lượng nước này.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi đầu tuần, mức dự trữ dầu thô của Mỹ hiện khoảng 100 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm. Trong vòng 1 năm trở lại đây, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn 10%, đạt mức 9,3 triệu thùng/ngày. IEA dự báo sản lượng dầu của nước này sẽ vượt mức 10 triệu thùng/ngày vào năm 2018, vượt qua mốc kỷ lục của năm 1970.

Đồng thời sản lượng dầu thô của các nước thuộc khối OPEC và ngoài OPEC đều tăng lên. Báo cáo của ngân hàng ANZ cho biết: “Sản lượng dầu của Mỹ đang tăng và dữ liệu từ theo dõi các tàu chở dầu cho thấy OPEC vẫn xuất khẩu mạnh dầu”.

Dữ liệu tuần này của OPEC cho thấy nguồn cung dầu tăng nhanh từ Libya và Nigeria, hai thành viên khối không chịu sự ràng buộc của thỏa thuận cắt giảm sản lượng, cũng đang gây áp lực lên giá dầu.

Theo công ty khai thác dầu khí quốc gia của Libya, nước này sẽ tăng sản lượng lên 1 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 7. IEA cũng cho hay xuất khẩu dầu của Iraq vào Mỹ đang tăng nhanh – đạt mức cao nhất trong 5 năm trong tuần đầu tiên của tháng 6/2017.

Xu hướng giảm tiếp tục kéo dài

Cũng theo dự báo của IEA, nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC có thể tăng 660.000 thùng/ngày trong năm nay, nhưng nhiều khả năng sẽ tăng tới 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2018, vượt qua tốc độ tăng của nhu cầu. Dự kiến trong vòng 3 năm tới, Canada sẽ tăng sản lượng khai thác và trở thành nhà cung cấp dầu thô có tốc độ tăng trưởng lớn thứ hai sau Mỹ.

Với dự báo này, dự kiến giá dầu thô thế giới có thể sẽ tiếp tục giảm trong dài hạn. Một số chuyên gia cho rằng mức đáy tiếp theo mà giá dầu có thể xuyên thủng là mức 40 USD/thùng. Theo nhận định của ông Jonathan Barratt, giám đốc đầu tư tại Công ty chứng khoán Ayers Alliance ở Sydney: “Nếu giá dầu tiếp tục rơi xuống dưới mức 40 USD/thùng, OPEC sẽ có thể phản ứng”.

Phản ứng của các nước khối OPEC

Việc giá dầu thế giới liên tục giảm trong thời gian qua đang gây sức ép lớn đối với Ả Rập Xê-út và các nước sản xuất dầu hàng đầu khác. Hãng tin CNBC cho rằng chiến thuật tiếp theo của các nước này để cứu giá dầu có thể là cố gắng giảm lượng dầu tồn kho đang ở mức rất cao của Mỹ.

Ả Rập Xê-út, quốc gia sở hữu một nhà máy lọc dầu lớn bên bờ Vịnh Mexico của Mỹ, được cho là có kế hoạch cắt giảm lượng dầu xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 7.

Chuyên gia John Kilduff thuộc Again Capital nhận định: “Tôi cho rằng kế hoạch tấn công tiếp theo của họ là cắt giảm lượng dầu xuất khẩu sang Mỹ nhằm tạo ra một sự sụt giảm trong báo cáo của EIA. Hành động đó sẽ làm cho lượng dầu tồn kho như thực sự giảm xuống”.

Giá dầu thô rơi vào chu kỳ giảm giá kể từ khi các nước OPEC nâng sản lượng vào cuối năm 2014, khác với hoạt động thường thấy trước đó là cắt giảm sản lượng, nhằm giành sự kiểm soát đối với thị trường dầu thô trong dài hạn.

Việc tăng sản lượng này khiến giá dầu thô sụt giảm và làm cho ít nhất 123 công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ ở Bắc Mỹ đã đệ đơn xin phá sản kể từ đầu năm 2015. Hơn 150.000 công nhân ngành dầu khí mất việc tại Mỹ. Những công ty còn tồn tại như Exxon Mobil and Chevron cũng lao đao khi giá cổ phiếu các công ty này sụt giảm trên thị trường. Tuy vậy, động thái này sau đó đã không đạt được hiệu quả như mong đợi khi Mỹ liên tục nâng sản lượng khai thác dầu nhờ vào cải tiến công nghệ và giảm chi phí sản xuất.

Năm 2016, các nước OPEC đã phải quay lại chính sách cắt giảm sản lượng nhằm kiểm soát lượng cung dầu thô trên thị trường. Tuy vậy diễn biến giá dầu thô thế giới năm 2017 cho thấy hiệu ứng của việc cắt giảm này đã đi ngược với mong đợi của OPEC. Giá dầu vẫn trong chu kỳ giảm và lượng cung trên thị trường thì vẫn tăng lên.

Liên Hương (T/h)

Xem thêm: