Cuối tuần này, các nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách toàn cầu sẽ được nhắc nhở về vị đắng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, với cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters dự đoán tăng trưởng quý 3 của Trung Quốc sẽ chậm lại.

kinh te trung Quoc
(Ảnh chụp từ video Trung Quốc không kiểm duyệt)

Nhu cầu trong nước của Trung Quốc đã chững lại trong những tháng gần đây khi chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc Bắc Kinh phải thực hiện những thay đổi sâu rộng về sở hữu trí tuệ, trợ cấp công nghiệp và chính sách thương mại. Điều này được dự đoán cũng sẽ làm sụt giảm nguồn thu từ xuất khẩu của Trung Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cố gắng ngăn chặn đà suy giảm kinh tế mạnh hơn bằng cách tăng cường hỗ trợ chính sách và làm dịu lập trường của mình trong chiến dịch truyền thông quốc tế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng nghiêm trọng từ hàng rào thuế quan thương mại ngày càng cao của Mỹ.

Và các nhà phân tích cho biết Trung Quốc cần có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn vì những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Đại Lục đã gia tăng đáng kể từ nửa cuối năm nay.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của 68 chuyên gia kinh tế cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể đạt 6,6% trong quý 3/2018, thấp hơn so với mức 6,7% của quý trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Mặc dù vậy, mức dự báo tăng trưởng GDP quý 3 ở trên vẫn còn cao hơn mục tiêu cả năm của Trung Quốc, khoảng 6,5%.

“Áp lực đi xuống trong nền kinh tế [Đại Lục] tương đối lớn khi tiêu thụ trong nước suy yếu và đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn chưa ổn định” từ đợt suy thoái, tờ Epoch Times dẫn lời Tang Jianwei, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Truyền thông Thượng Hải cho biết.

“Cần thiết phải thực hiện các điều chỉnh chính sách khi áp lực bên ngoài tăng lên”, ông Tang nói.

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc gần đây cho thấy sự suy giảm trong nhu cầu nội địa, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến chi tiêu của người tiêu dùng – kết quả của việc cho vay quá mức và nợ xấu tăng cao trong nhiều năm đã đẩy chi phí vay của các công ty lên cao.

Tăng trưởng trong khu vực nhà máy rộng lớn của Trung Quốc tháng Chín qua đã bị đình trệ sau 15 tháng liên tục mở rộng, với các đơn hàng xuất khẩu giảm nhiều nhất trong hơn 2 năm, khảo sát riêng của tờ Epoch Times cho thấy. Một cuộc khảo sát chính thức cũng xác nhận rằng các nhà sản xuất tại Đại Lục đang đối diện áp lực căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Có dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc đã đẩy mạnh các chuyến hàng xuất khẩu trước khi hàng rào thuế quan của Mỹ cứng rắn hơn và nới rộng hơn đi vào hiệu lực, điều này có thể giải thích cho sự gia tăng bất ngờ trong tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Chín và thặng dư thương mại kỷ lục với Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá khoảng 6% so với đồng Đô la trong năm nay, điều có thể khiến các mức thuế quan của Mỹ không còn tác dụng, nhưng ngược lại cũng có thể gây ra rủi ro về dòng vốn.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thực hiện cắt giảm dự trữ bắt buộc 4 lần trong năm nhằm bơm thêm thanh khoản để kích thích các ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, PBOC phải đối mặt với những trở ngại trong việc huy động thêm tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ thiếu tiền mặt, vốn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm cho kinh tế Đại Lục.

Các tỉnh, thành phố phụ thuộc lớn vào xuất khẩu của Trung Quốc đã và đang cho thấy sự căng thẳng. Quảng Đông, tỉnh lớn nhất Trung Quốc về tổng sản phẩm quốc nội, đã báo cáo sự sụt giảm trong xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018 so với một năm trước đó.

Vào ngày 24/9, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục đánh thuế đối với hàng hóa của nhau, đánh dấu sự leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Washington tiếp tục áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và ông Trump đe dọa sẽ áp đặt thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ.

Ngày 19/10, Trung Quốc sẽ công bố thông tin GDP quý 3/2018 cùng với sản lượng công nghiệp tháng Chín, doanh số bán lẻ, bất động sản và dữ liệu đầu tư tài chính khác.

Tường Văn

Xem thêm: