Khó khăn và thách thức của doanh nghiệp Việt không phải là câu chuyện mới nhưng đáng bàn lại, bởi các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dường như vẫn chưa chạm tới điều mà họ thực sự cần. Giải quyết bài toán doanh nghiệp – nâng cao nội lực, nâng cao sức cạnh tranh – là gỡ một nút thắt quan trọng cho tăng trưởng và ổn định.

thue
(Ảnh: baochinhphu.vn)

Chi phí vận tải doanh nghiệp Việt phải chịu cao nhất khu vực, gấp 3 lần Singapore. Theo Phòng thương mại Việt Nam (VCCI), chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần chi phí vận chuyển từ Hà Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Một khảo sát độc lập khác của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy chi phí logistics chiếm rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam: ngành thủy sản chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành. Tính bình quân, chi phí logistics mà doanh nghiệp Việt đang gánh bình quân cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, và gấp 3 lần Singapore.

>> Khuất tất trong dự án BOT giao thông: Người dân và ngân hàng chịu thiệt hại nặng nề

Chi phí phi chính thức là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Kết quả khảo sát 2,600 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến, sản xuất năm 2016 của VCCI cho thấy, có hơn 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải chấp nhận những khoản chi không chính thức cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Khảo sát giai đoạn 2014 – 2016 của VCCI, về chi phí không chính thức cho thấy trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tính trung vị phải “móc hầu bao” cho các khoản không chính thức, cao hơn 12 – 15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008 – 2013. Đáng chú ý 9% – 11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ 2014 – 2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6 – 8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Doanh nghiệp Việt phải vay vốn từ ngân hàng với mức lãi suất cao thứ hai trong khu vực (chỉ sau Myanmar).  Tính toán từ Báo cáo tài chính năm 2016 của mẫu hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, chi phí lãi vay bình quân của doanh nghiệp đang  tăng cao trở lại kể từ năm 2013, chiếm 2,46% trong cơ cấu chi phí; cơ cấu chi phí lãi vay năm 2016 chỉ thấp hơn năm 2012, khi nền kinh tế rơi vào đình trệ và lãi suất ngân hàng ở mức rất cao do lạm phát và nợ xấu bùng phát. Trên thực tế, mức lãi suất vay vốn bình quân của Việt Nam cao thứ hai trong khu vực, chỉ sau Myanmar; lãi suất vay vốn bình quân Việt Nam hiện nay là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%, Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%.

(Nguồn: WB)
Lai suất cho vay của các nước trong khu vực (Nguồn: WB)

>> Khó hạ lãi suất: Khi mong muốn chủ quan khó cưỡng lại quy luật thị trường

Tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động: điều này cũng làm gia tăng gánh nặng chi phí cho khu vực doanh nghiệp. Thời gian qua, lương tối thiểu tăng từ 8 – 12%, cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4 – 5%. Không chỉ vậy, mức đóng bảo hiểm 22% lương tháng mà doanh nghiệp đang gánh là rất cao so với Malaysia (13%) hay Philippines (10%). Chi phí bảo hiểm cao cũng là lý do các doanh nghiệp Việt tìm cách “lách”, tạo lập 2 hệ thống chi trả lương: Hệ thống báo cáo với cơ quan bảo hiểm, cơ quan thuế, và hệ thống lương thưởng riêng của doanh nghiệp.

Áp lực từ những khoản thuế phí đã khiến các doanh nghiệp Việt khó có khả năng cạnh tranh trong môi trường quốc tế, phát triển bền vững bởi năng lực tài chính và công nghệ còn nhiều hạn chế, năng suất lao động thì thấp, trong khi gánh nặng chi phí lại quá lớn. Để tìm cách giảm tải chi phí cho doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách cần nhận diện đúng và đủ nguyên nhân, nguồn gốc khiến chi phí gia tăng. Đây cũng vấn đề chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích trong phần 2.

Hà Phương

Xem thêm: