Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa đưa ra cảnh báo Việt Nam không nên hy sinh sự ổn định vĩ mô để đổi lấy tốc độ tăng trưởng cao nếu muốn trở thành một nền kinh tế được xếp hạng mức “nên đầu tư” (investment-grade).

Nợ công của Mỹ khác nợ công của Việt Nam thế nào?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ngân hàng trung ương của Việt Nam trực thuộc Chính phủ Việt Nam. (Trụ sở tại Hà Nội – Ảnh qua Wikipedia)

Trưởng bộ phận xếp hạng tín nhiệm các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương của Fitch, ông Stephen Schwartz cho biết muốn nhìn thấy những bằng chứng về sự ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn trước khi xem xét thăng hạng cho Việt Nam. Đồng thời, Fitch cũng đang theo dõi sát sao các nỗ lực giải quyết những yếu điểm trong cấu trúc nền kinh tế như cải cách các doanh nghiệp nhà nước và vấn đề xử lý nợ xấu.

Trong tháng 5/2018, Fitch đánh giá tỷ lệ dự trữ ngoại hối và tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng cao, do đó tổ chức này đã nâng xếp hạng nợ ngoại tệ dài hạn của Việt Nam lên mức BB – là mức dưới 2 bậc so với mức “nên đầu tư”.

“Thách thức Việt Nam phải đối mặt là duy trì tốc độ tăng trưởng cao mà không phải hy sinh thành quả đã đạt được về ổn định vĩ mô – vốn là cơ sở cho quyết định nâng hạng gần đây của chúng tôi”, ông Schwartz nói. “Chính phủ Việt Nam nhận thức được và đang khắc phục những thách thức và yếu kém trong cấu trúc kinh tế ở một số lĩnh vực chủ chốt.”

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng ấn tượng 7,4% trong quý 1, chuyên gia của Fitch cảnh báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thận trọng hơn nữa trong bối cảnh chính sách tiền tệ toàn cầu đang ngày càng thắt chặt.

Vị chuyên gia này dự báo “trong ngắn hạn, Ngân hàng Trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua hoạt động trên thị trường mở (OMO), hoặc thông qua công cụ chính sách như tăng lãi suất cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản và tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đang tăng mạnh trong thời gian gần đây.”

Về kinh tế, tăng trưởng trong các quý tiếp theo sẽ có dấu hiệu chậm lại, do ảnh hưởng bởi xu hướng tăng cường bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu và khả năng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Về chính sách tài khóa, người đứng đầu bộ phận xếp hạng châu Á – Thái Bình Dương của Fitch cho rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2018 sẽ giới hạn quanh ngưỡng 4,6% GDP, cao hơn so với mức trung bình 3,2% GDP của các nền kinh tế cùng hạng BB.

Fitch Ratings cùng với Moody’s và Standard & Poor’s là một trong 3 công ty xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới chuyên đưa ra các đánh giá rủi ro tín dụng, trái phiếu của các quốc gia.

Các công ty xếp hạng này thường sử dụng các tên gọi khác nhau bao gồm chữ cái viết hoa và chữ thường để xác định xếp hạng chất lượng tín dụng của trái phiếu.

Hạng ‘AAA’ và ‘AA’ được xem là chất lượng tín dụng cao; hạng ‘A’ và ‘BBB’ là thuộc chất lượng tín dụng trung bình, được coi là “nên đầu tư” (investment-grade). Còn các mức xếp hạng bên dưới các chỉ định này như: ‘BB’, ‘B’, ‘CCC’… được coi là chất lượng tín dụng thấp và thường được gọi là “trái phiếu bấp bênh”, không nên đầu tư (noninvestment-grade).

Theo Bloomberg,
Chân Hồ

Xem thêm: