Đúng như dự đoán của giới phân tích, sau 2 ngày họp, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng các lãi suất ngắn hạn thêm 0,25% và dự báo có thể tăng thêm trong năm 2017. Vậy nhân tố này sẽ ảnh hưởng tích cực và tiêu cực thế nào đến phần còn lại của thế giới và Việt Nam?

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). (Ảnh: Internet)

Như tin đã đưa, cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày 13-14/12 của Ủy ban Thị trường mở Mỹ kết thúc chiều 14/12 với việc FED quyết định tăng lãi suất cho vay qua đêm thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa các lãi suất ngắn hạn của Mỹ lên khoảng 0,5% – 0,75% năm.

FED cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017 thay vì dự kiến tăng lãi suất 2 lần trong năm 2017 như kết quả cuộc họp tháng 9/2016 và sẽ tăng tiếp 3 lần nữa trong năm 2018-2019 để đưa mặt bằng lãi suất trở về mức bình thường dài hạn là 3,0%.

Kể từ năm 2008, khi FED đã hạ lãi suất xuống 0% để đối phó với khủng hoảng tài chính và duy trì đến ngày 16/12/2015 mới tăng từ 0% lên 0,25% đưa mức lãi suất áp dụng khi đó từ 0,25% đến 0,5%. Như vậy, gần đúng sau 1 năm FED lại tăng lãi suất thêm 0,25%.

Các chuyên gia cho rằng việc FED tăng lãi suất là kết quả phản ứng đối với kế hoạch kích thích kinh tế của ông Trump và FED lạc quan dự báo Mỹ tăng trưởng 1,9% trong năm 2017 và năm 2018 là 2,1%.

Các chuyên gia cũng cho rằng có thể tăng lãi suất là tin tốt, một là vì ý nghĩa FED đánh giá nền kinh tế Mỹ đã đủ mạnh, không cần sự can thiệp hỗ trợ từ FED thông qua hạ lãi suất, hai là, thúc đẩy sử dụng đồng USD một cách có hiệu quả hơn, sẽ có động lực hơn, bởi sau gần 10 năm thực hiện lãi suất bằng 0 thì kinh tế Mỹ vẫn chưa như mong muốn, nay lại cần có cuộc cải cách, có thể tăng lãi suất là khởi đầu của một cải cách mới.

Tác động đến nền kinh tế Mỹ và toàn cầu

Đối với Mỹ, việc nâng lãi cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đủ mạnh, không còn cần hỗ trợ từ FED nữa, vai trò của FED đối với nền kinh tế sẽ bắt đầu giảm đi, vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ dựa vào các công cụ tài chính.  Nhưng tăng lãi sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ, trong đó có người vay tiền mua nhà, người gửi tiết kiệm và nhà đầu tư. Vì vậy, ngay sau thông tin tăng lãi suất, chứng khoán Mỹ đã mất điểm,  chốt phiên ngày 14/12, S&P 500 giảm 0,8%, Dow Jones giảm 0,6% và Nasdaq giảm 0,5%.

Đối với thế giới cũng có phản ứng tương tự, cổ phiếu tại Úc, Trung Quốc và Hàn Quốc giảm. Sức mạnh của đồng USD còn tạo áp lực lớn đến giá vàng và dầu thô.

USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt (trừ Đôla Úc). Chỉ số Bloomberg Dollar Index giao ngay, thước đo đồng đôla so với 10 đồng tiền chủ chốt, tăng 1,1% trong phiên ngày14/12.

Cụ thể, ngày 15/12  nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm mạnh 0,4% xuống 6,9289/USD thấp nhất kể từ tháng 6/2008 sau khi NHTW Trung Quốc giảm tỷ giá tham chiếu mạnh nhất kể từ tháng 8. Đồng won của Hàn Quốc giảm mạnh 1,1%. Đồng euro đã rơi xuống mức 1,0517 USD. Đồng yên nhật cũng giảm xuống 117,33 JPY/USD.  Chỉ riêng Đôla Úc tăng 0,3% nhờ số liệu việc làm tốt hơn so với dự kiến.

Tương tự, các hàng hóa cũng giảm khi USD tăng. Cụ thể ngày 14/12, dầu thô WTI giảm 0,4% xuống 50,85 USD/thùng, sau khi đã giảm khoảng 3,7% trong phiên trước đó. Giá vàng giao ở mức 1.143,25 USD/oz, sau khi trượt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.

Tỷ giá USD tăng cao hơn trước cơn sốt ngày 8/12 vừa qua

Việc FED quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên 0,5-0,75%, đồng thời phát đi tín hệu có thể tăng lãi suất nhanh hơn trong năm tới đã đẩy USD tăng giá so các đồng tiền khác. Vì vậy, ngày 15/12 NHNN cũng nâng tỷ giá trung tâm thêm 11 đồng, kéo theo tỷ giá trên thị trường cũng tăng. Đây là ngày thứ tư liên tiếp tỷ giá tăng liên tục kể từ sau hạ sốt ngày 8/12 khi thủ tướng lên đài tuyên bố không có đổi tiền và NHNN tuyên bố can thiệp vào cả tỷ giá và vàng.

Ngày 15/12, tỷ giá trung tâm được NHNN Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh 11 đồng lên mức 22.135 đồng/USD, biên độ +/-3%, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 22.799 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.471 đồng/USD.

Sở Giao dịch NHNN công bố giá mua vào USD ở mức 22.300 đồng/USD, giá bán thấp hơn mức giá trần 50 đồng, ở mức 22.749 đồng/USD.

Tại các ngân hàng, ngày 15/12 đều tiếp tục tăng giá mua – bán đồng USD thêm 30-50 đồng.  Vietcombank tăng giá mua 50 đồng, và 40 đồng ở giá bán, lên mức 22.700/22.770 đồng/USD. BIDV tăng 40 đồng ở chiều mua vào lên 22.700 đồng/USD, tăng 50 đồng ở chiều bán ra, lên mức 22.780 đồng/USD.

VietinBank thì nâng cả giá mua và giá bán thêm 30 đồng, lên mức 22.690/22.780 đồng/USD. Tương tự các ngân hàng TMCP cũng đầu tăng giá từ 30-50 đồng/USD.

Như vậy, giá bán cao nhất trong các ngân hàng là 22.795 đồng/USD, đã cao hơn nhiều so với giá trong cơn sốt trước ngày 8/12 vừa qua.

Ngày 15/12 USD tự do tại thị trường Hà Nội ở mức mua vào khoảng 23.300- 23.320 đồng/USD và bán ra ở mức 23.350 đồng/USD, tăng  90 đồng cả  2 chiều mua bán ra so với chiều ngày 14/12.

Giá vàng thế giới tiếp tục lao dốc, xuyên thủng đáy 10 tháng để tạo đáy mới, tuy nhiên, giá vàng SJC  trong nước vẫn giảm ít, đẩy chênh lệch giữa giá vàng trong nước va thế giới lên hơn 5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 12 tỷ giá đã tăng chóng mặt, làm tiền đồng cũng mất giá theo, chắc chắn sẽ làm cho cuộc sống người lao động sẽ khó khăn hơn. Nhưng nếu đứng ở góc độ xuất khẩu thì tỷ giá tăng, tiền đồng giảm giá sẽ giúp cho hàng Việt Nam rẻ hơn và thúc đẩy xuất khẩu. Nếu tăng xuất khẩu thì trong dài hạn sẽ kích thích sản xuất phát triển.

Dù thế nào thì cơ quan quản lý cũng không nên để tỷ giá xảy ra đột biến, không nên phá giá đột ngột tiền đồng, cần phải có lộ trình và bước đi phù hợp, như vậy mới không tạo cú sốc cho sản xuất, tiêu dùng.

Tâm Sáng

Xem thêm: