Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo hạ lãi suất cơ bản 0,25% từ biên độ 2,25-2,5% xuống biên độ 2-2,25%. Đây là lần đầu tiên cơ quan này hạ lãi suất cơ bản kể từ năm 2008.

Embed from Getty Images

Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo (Ảnh: Getty Images)

Việc hạ lãi suất cũng được coi là thay đổi đáng kể của FED trong năm nay, sau khi tăng lãi suất 4 lần vào năm 2018. Lần gần đây nhất FED giảm lãi suất là vào năm 2008, nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ giữa tâm bão khủng hoảng tài chính.

Trong buổi họp báo diễn ra sau hai ngày họp của FOMC, Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu rằng giảm lãi suất đồng USD là bước đi cần thiết giúp Mỹ đối phó với các bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay, trong đó có nguy cơ từ chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Hiện các cuộc chiến thương mại có sự tác động nhất định đến kinh tế Mỹ và khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Kinh tế toàn cầu cũng đang có những dấu hiệu chậm lại, thậm chí giảm tốc ở châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh.

FED cũng tuyên bố sẽ tiếp tục theo sát tình hình kinh tế trong thời gian tới và có hành động phù hợp nhằm đảm bảo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên ông Jerome Powell khẳng định việc cắt giảm lãi suất lần này không phải là khởi đầu cho một chu kỳ kéo dài.

Những số liệu về kinh tế Mỹ gần đây cũng cho thấy một số tín hiệu đảo chiều tăng trưởng kinh tế Mỹ. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/7, kinh tế Mỹ trong quý II/2019 tăng trưởng chậm lại do sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm từ 3,1% (quý I/2019) xuống 2,1% (quý II/2019). Có lẽ đây là lý do khiến FED quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Tổng thống Donald Trump đã đăng một tweet ngày 26/7 nhấn mạnh rằng chỉ số tăng trưởng GDP không tệ khi xem xét bối cảnh FED thắt chặt chính sách tiền tệ. Ông Trump từ lâu đã chỉ trích FED, coi đây là vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế quốc gia. Ông bắt đầu công khai chỉ trích FED và ông Jerome Powell từ năm 2018, cho rằng việc không ngừng tăng lãi suất đồng USD sẽ làm trì trệ nền kinh tế Mỹ.

FED tăng lãi suất bảy lần trong thời gian ông Trump nắm quyền, mà lần tăng lãi suất gần đây nhất đã gây ra bất ổn thị cho trường chứng khoán vào tháng 12/2018.

Ông Robert Johnson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức Chỉ số Kinh tế chuyên theo dõi tác động của các chính sách tiền tệ của FED cũng nhận định, lãi suất thấp sẽ khuyến khích chi tiêu nhiều hơn. Khi lãi suất giảm, người ta có xu hướng tiến hành các giao dịch lớn như mua nhà hay mua xe hơn. “Lịch sử cho thấy, trong môi trường lãi suất giảm, các lĩnh vực như may mặc, bán lẻ và tự động sẽ có hiệu suất tốt nhất.”

Trước tuyên bố hạ lãi suất nhưng sẽ không theo chu kỳ kéo dài của FED, giới đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu, khiến các chỉ số chính của phố Wall lao dốc mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/7, chỉ số Dow Jones giảm 333,75 điểm (-1,23%), xuống 26.864,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 32,80 điểm (-1,09%), xuống 2.980,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 98,19 điểm (-1,19%), xuống 8.175,42 điểm.

Minh Ngọc

Xem thêm: