Dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) đang tấn công nước Mỹ, gây tác động đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẩn cấp hạ lãi suất nhưng thị trường chứng khoán Mỹ không tăng lên mà lại sụt giảm, điều này làm gia tăng cảm giác lo ngại rủi ro trong giới đầu tư. Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị một loạt các chính sách tài khóa, Tổng thống Mỹ Trump còn cho rằng FED nên đẩy mạnh hơn nữa biện pháp cắt giảm lãi suất.

FED hạ lãi suất cơ bản
FED khẩn cấp hạ lãi suất, làm gia tăng tâm lý lo ngại rủi ro (Ảnh: Shutterstock)

FED hạ lãi suất mở ra vòng nới lỏng mới trên toàn cầu

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan mạnh ở nhiều quốc gia, ngày 3/3 FED đã quyết định hạ lãi suất 50 điểm cơ bản. Ngay sau đó, hệ thống ngân hàng trung ương của nhiều nước quan trọng cũng đồng loạt có quyết định hạ lãi suất, mở ra vòng nới lỏng mới trên toàn cầu.

Chủ tịch Jerome Powell của FED cho biết sau cuộc họp về lãi suất hồi tháng 1 đầu năm, nhận thấy sự phát triển của dịch COVID-19 gây nguy cơ thực sự đối với triển vọng kinh tế của Mỹ. Dù nền tảng kinh tế của Mỹ ổn định, nhưng có thể trong một thời gian dịch bệnh sẽ tăng sức ép lên nền kinh tế, dự kiến ​​việc cắt giảm lãi suất sẽ tạo cú hích quan trọng cho nền kinh tế. Ông cũng cho biết dự kiến ​​sau khi qua khỏi dịch bệnh, nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Sau khi FED tuyên bố cắt giảm lãi suất, vào ngày 4/3 Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã hạ lãi suất xuống 50 điểm cơ bản, còn 1,50%. HKMA cho biết sẽ đảm bảo sự ổn định tiền tệ gắn liền với cơ chế tỷ giá hối đoái.

Sau biện pháp hạ lãi suất của FED, ngày 4/3 Ngân hàng Canada cũng hạ lãi suất qua đêm 50 điểm cơ bản xuống còn 1,25%, đánh dấu lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 10/2015.

Trước đó vào ngày 3/3, Ngân hàng Dự trữ Úc đã công bố giảm lãi suất 25 điểm cơ bản.

Ngày 2/3 Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ám chỉ họ sẵn sàng giảm lãi suất và mua tài sản để đối phó với tác động của dịch bệnh.

Ngành ngân hàng Mỹ chịu ảnh hưởng mạnh nhất

Động thái hạ lãi suất diễn ra sớm hơn dự kiến này được xem như là mức hành động khẩn cấp, khiến giới đầu tư hoang mang. Trước đó, giới phân tích suy đoán ​​FED sẽ tuyên bố hạ lãi suất sau cuộc họp lãi suất tháng Ba nhưng quyết định lại được công bố sớm hơn nửa tháng. Điều này làm giới đầu tư liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sau sụp đổ của tập đoàn Lehman Brothers thì FED bất ngờ tuyên bố hạ lãi suất. Đối với thị trường, đây rõ ràng là một tín hiệu gây lo lắng.

Sau khi FED tuyên bố hạ lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ nhanh chóng sụt giảm, cùng ngày chỉ số Dow Jones giảm 2,94%. Động thái hạ lãi suất đã tác động đáng kể đến ngành ngân hàng Mỹ, khiến rủi ro lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng lên. Mức sụt giảm của toàn bộ sáu cổ phiếu ngân hàng lớn tại Mỹ đều vượt 3%, trong đó Ngân hàng Mỹ (Bank of America) có lúc giảm đến 5,53%. Wells Fargo và Morgan Stanley giảm hơn 4%.

BBC dẫn phân tích của Công ty Chứng khoán CITIC (Trung Quốc) cho biết, mục đích của chính sách hạ lãi suất nhằm kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất khẩn cấp thường hàm ý tình hình nghiêm trọng, làm gia tăng tâm lý lo ngại rủi ro, do đó sau giảm lãi suất khẩn cấp kéo theo chứng khoán Mỹ và đồng đô la Mỹ suy yếu.

Powell cho biết việc hạ lãi suất sẽ không làm giảm tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 hoặc phục hồi chuỗi cung ứng bị phá vỡ, nhưng sẽ giúp hỗ trợ tổng thể hoạt động kinh tế.

Trump muốn thêm đạn dược

Tổng thống Mỹ Trump đã kêu gọi FED đẩy mạnh hơn biện pháp giảm lãi suất. Ông cho biết mặc dù FED đã cắt giảm lãi suất, nhưng biện pháp vẫn cần nới lỏng hơn nữa, và bảo đảm bám sát tình hình các quốc gia và đối thủ khác trong các chính sách đối phó của họ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin bày tỏ ủng hộ quyết định cắt giảm lãi suất của FED. Ông cho rằng tác động của nền kinh tế Mỹ thời gian này rất khác với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế Mỹ là ngắn hạn. Ông cũng cho biết hiện chính phủ đang xem xét ảnh hưởng của dịch bệnh đối với giới doanh nghiệp nhỏ, để có thể đưa ra chương trình và biện pháp tài trợ khẩn cấp với các doanh nghiệp bị gián đoạn bởi dịch bệnh và công nhân nghỉ phép không được trả lương. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không vì dịch bệnh mà cân nhắc giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Nhìn lại những hành động khẩn cấp trong lịch sử FED

Ngày 8/10/2008, vụ phá sản của Lehman Brothers hồi tháng 9 năm đó đã gây cú sốc mạnh đối với thị trường, khiến FED đã hạ lãi suất 50 điểm cơ bản.

Ngày 22/1/2008, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh, khiến FED đã hạ lãi suất 75 điểm cơ bản.

Ngày 17/8/2007, khủng hoảng tín dụng thế chấp thứ cấp không ngừng phá rối thị trường tài chính, khiến FED đã hạ lãi suất chiết khấu (tỷ lệ tính cho các ngân hàng) xuống 50 điểm cơ bản.

Ngày 17/9/2001, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, FED đã hạ lãi suất 50 điểm cơ bản.

Ngày 18/4/2001, FED đã hạ lãi suất 50 điểm cơ bản để hỗ trợ suy thoái nền kinh tế.

Ngày 3/1/2001, bong bóng cổ phiếu công nghệ bắt đầu từ năm trước đó đã vỡ, khiến FED đã hạ lãi suất xuống 50 điểm cơ bản.

Ngày 15/10/1998, do khủng hoảng tài chính Nga, FED đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản.

Ngày 18/4/1994, FED cũng tăng lãi suất ngoài lịch trình bình thường với mức tăng từ ​​3,5% lên 3,75%.

Huệ Anh

Xem thêm: