Vào tháng trước, Facebook đã cho phép một gia đình ở Nam Sudan bán đấu giá cô con gái 16 tuổi để làm cô dâu thông qua nền tảng mạng xã hội, nhiều báo cáo cho hay.

facebook
Facebook hứng chịu chỉ trích sau hàng loạt sự cố gần đây. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Mạng xã hội Facebook – có điều khoản cấm buôn bán người trên nền tảng của nó – đã không xóa một bài đăng yêu cầu trả tiền để được kết hôn với một cô gái 16 tuổi, cho đến khi cô bé được “đấu giá” thành công và đã kết hôn, hãng CNN đưa tin.

Theo đó, bài viết rao bán cô gái được đăng tải lên vào ngày 25/10 và đến ngày 9/11 mới bị gỡ xuống.

Cô gái, danh tính không được công khai, đã kết hôn vào ngày 3/11 và bây giờ đã trốn vào thủ đô của Nam Sudan, tờ Business Insider dẫn lời Bộ trưởng thông tin bang Eastern Lakes của nước này cho hay.

Sau khi được phản ánh về sự việc, mạng xã hội Facebook cho biết họ đã đã xóa bài đăng và khóa vĩnh viễn tài khoản của người đã đăng bài này lên Facebook. “Bất kỳ hình thức buôn người nào – dù dưới dạng bài đăng, trang, nhóm hay quảng cáo… đều không được phép trên Facebook”, phát ngôn viên của Facebook cho biết.

Plan International, tổ chức hoạt động vì quyền trẻ em, phát hiện ra rằng cha của cô gái đã nhận được 500 con bò, 3 chiếc xe hơi và 10.000 đô la để đổi lấy con gái của mình. Năm người đàn ông, trong đó có một số “quan chức chính phủ cấp cao của Nam Sudan”, đã tham gia “đấu thầu cô gái”, tổ chức này cho hay.

“Cách sử dụng công nghệ dã man này khiến người ta liên tưởng đến thị trường nô lệ của thế giới hiện đại… Không gì có thể biện minh cho hành động đó, mua bán cô gái hãy còn là một đứa trẻ, coi nạn nhân là món hàng để đổi lấy tiền và tài sản”, George Otim, Giám đốc của tổ chức Plan International bức xúc.

Tuổi kết hôn hợp pháp của Nam Sudan là 18, nhưng theo báo cáo năm 2017 của UNICEF, có đến hơn một nửa (52%) các cô gái trẻ của quốc gia này đã kết hôn trước ngày sinh nhật thứ 18.

Các nhà hoạt động nhân quyền đã bày tỏ sự bức xúc trước câu chuyện cô gái bị đem đấu giá trên mạng xã hội, và lo ngại vụ đấu giá sẽ là tiền lệ xấu khiến nhiều gia đình khác lợi dụng Facebook để đòi của hồi môn lớn hơn từ con gái.

“Các vi phạm đối với phụ nữ vẫn đang xảy ra ở Nam Sudan, nhưng đối với Facebook trong trường hợp này đã đẩy sự nghiêm trọng lên một cấp độ mới”, Judy Gitau, điều phối viên khu vực của tổ chức quyền phụ nữ Equality Now, nói với CNN.

“[Facebook] nên đặt thêm nguồn lực để giám sát nền tảng của họ nhằm đảm bảo quyền của phụ nữ, và quả thực là quyền của tất cả mọi người, được bảo vệ”, bà Judy nói thêm.

Facebook đã bị chỉ trích nhiều lần trong những tháng gần đây khi cho phép các nội dung bạo lực và ác tính xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội của nó. Đầu tháng này, đại diện Facebook thừa nhận rằng công ty không thể ngăn chặn nền tảng mạng xã hội Facebook tránh khỏi việc bị sử dụng để làm trầm trọng thêm bạo lực ở Myanmar.

Theo đó, một cuộc điều tra của New York Times phát hiện rằng quân đội Myanmar đã phát động một chiến dịch “loan tin giả” trên Facebook để đăng các thông tin mang tính kích động thù hận sắc tộc, lấy cớ cho cuộc thảm sát người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại nước này.

Tổng hợp từ The Hill, CNN,
Chân Hồ

Xem thêm: