Trong buổi tọa đàm trực tuyến về giá điện, tiền điện do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 5/5 với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), EVN đã bác thông tin việc ngành điện thời gian qua tự sửa hóa đơn hay điều chỉnh tăng giá điện khiến tiền điện sinh hoạt của người dân tăng cao bất thường. 

gia dien evn vnf
(Ảnh: Vietnamfinance)

Thời gian gần đây, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng tiền điện tháng vừa qua cao bất thường mặc dù lượng điện sử dụng của gia đình không đến mức như vậy, và nghi ngờ việc EVN đã tự sửa hoá đơn hay tự điều chỉnh tăng giá điện.

Trả lời thắc mắc của người dân trong buổi tọa đàm hôm 5/5 do báo Thanh Niên tổ chức, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết hiện nay, giá điện, biên lai tính tiền điện được thực hiện theo Quyết định 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện có hiệu lực từ năm 2019 của Bộ Công Thương. Khách hàng có thể tự đối chiếu và tính toán tiền điện trên website, “nên không thể có chuyện EVN tự sửa hóa đơn điện của khách hàng.”

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cũng khẳng định từ lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất vào ngày 22/3/2019, đến nay chưa có sự điều chỉnh giá điện.

Lý giải về việc hóa đơn nhiều hộ tăng vọt trong tháng 4, ông Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt – lạnh (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng: Tháng 4 – 5 – 6 cả nước, đặc biệt là TP.HCM vào cao điểm nắng nóng, Hà Nội cũng bước vào mùa hè. “Khi nhiệt độ ngoài trời tăng, chúng ta sẽ sử dụng quạt máy, điều hòa, là các thiết bị tiêu thụ điện rất lớn, nhiều hơn… Tháng 4 cũng là tháng giãn cách xã hội, hầu hết mọi người ở nhà nên sử dụng điều hòa hoặc quạt máy nhiều hơn.”

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Nam cũng giải thích tháng 4 tăng cao do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cha mẹ ở nhà làm việc từ xa, con cái không đi học nên ở nhà, tất cả làm tăng sản lượng điện tiêu thụ.

Trước thắc mắc là công tơ điện có chạy chính xác hay không, ông Lý khẳng định công ty đã có phúc tra, kiểm định công tơ dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, “kiểm định lại công tơ và kết quả cho thấy 99,99% là công tơ chạy chính xác.”

Về thắc mắc biểu giá điện lũy tiến 5 bậc, ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích việc áp dụng biểu giá điện bậc thang sẽ khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN TP. HCM giải thích thêm rằng dùng điện càng nhiều thì càng phát thải nhiều khí nhà kính, càng tác động lớn làm biến đổi khí hậu nên việc tính điện theo giá bậc thang ngoài chuyện tiết kiệm năng lượng còn là bảo vệ môi trường. “Dùng điện nhiều, gây ảnh hưởng đến môi trường nhiều thì phải trả giá cao,” ông Dũng nói.

Ông Võ Quang Lâm cho biết hiện EVN vẫn đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm giá điện bắt đầu từ 16/4 và sẽ kéo dài trong 3 tháng liên tiếp, cho tới 15/7. “Đây là nỗ lực rất lớn của cán bộ nhân viên tập đoàn,” ông Lâm nói.

Theo đại diện, Bộ Công thương ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là gần 11.000 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỷ đồng; các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỷ đồng; các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng.

Thanh Thuỷ 

Xem thêm: