Ngày 20/12, Liên minh châu Âu (EU) ban hành các luật mới nhằm siết chặt việc nhập khẩu hàng hoá quá rẻ, và nêu bật nền kinh tế Trung Quốc bị “bóp méo” bởi sự can thiệp của nhà nước.

cang container
EU áp dụng biện pháp đặc biệt đối với các công ty Trung Quốc. (Ảnh: Pixabay)

Trong báo cáo 465 trang, Ủy ban châu Âu (EC) kết luận Bắc Kinh gây ảnh hưởng quyết định đến việc phân bổ các nguồn lực như đất đai, dòng vốn, và can thiệp “mạnh mẽ” đến giá cả của các nguyên liệu sản xuất đầu vào khác nhau.

Báo cáo có ý nghĩa quan trọng vì EU đã cho thấy thay đổi trong cách thức giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá.

Sau hai năm tranh luận về vấn đề này, EU nhất trí rằng bán phá giá có nghĩa là bán hoặc xuất khẩu với mức giá thấp hơn giá nội địa đối với tất cả thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó Trung Quốc là một thành viên.

Tuy nhiên, EU sẽ có biện pháp khác đối với trường hợp “thị trường bị bóp méo nghiêm trọng”, một trường hợp đặc biệt áp dụng với nhiều công ty Trung Quốc, một số trong đó phải nộp thuế nhập khẩu.

Trong những trường hợp như thế này, EU sẽ sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để tính toán ra một mức giá công bằng cho sản phẩm.

>> Úc cáo buộc Trung Quốc can thiệp chính trị

Ủy Ban Châu Âu EC, cơ quan giám sát chính sách thương mại của 28 thành viên EU, cho biết các báo cáo của họ cho từng ngành, lĩnh vực được thiết kế nhằm hướng dẫn những nhà sản xuất EU muốn gửi đơn kiện.

Trong ngày tuyên bố các luật lệ mới, EU chỉ nhắm đến báo cáo riêng về Trung Quốc. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết Nga có thể là đối tượng tiếp theo.

Năm 2016, Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên WTO phản đối một số nước châu Âu và Mỹ vì chính sách phòng vệ thương mại của các nước này. Bắc Kinh cũng yêu cầu được công nhận là một “nền kinh tế thị trường” thông thường vào cuối năm 2016, 15 năm sau khi gia nhập WTO.

Tuy nhiên, báo cáo của EC ngày 20/12 đưa ra nhận định “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc không phải kinh tế thị trường. Báo cáo cho rằng chính quyền Bắc Kinh thiết lập và kiểm soát tất cả các khía cạnh của nền kinh tế, với các ngân hàng được xem như công cụ để thực hiện, đặt trong một hệ thống tài chính “cứng nhắc và méo mó” cũng như việc đối xử ưu ái với các công ty nội địa.

>> Mỹ từ chối yêu cầu công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường

Những doanh nghiệp Trung Quốc trong các ngành “mũi nhọn” được nhận đất với giá thuê rất rẻ, thậm chí như miễn phí; sử dụng năng lượng giá rẻ; ưu tiên tiếp cận vốn; chi phí vay thấp; với giá nguyên liệu thô được kiểm soát chặt chẽ và quyền hạn của người lao động bị hạn chế.

Các phần tách biệt trong báo cáo về ngành thép, nhôm, hoá chất và gốm chỉ ra sự can thiệp của Bắc Kinh dẫn đến tình trạng thừa cung.

Trong khi Trung Quốc cam kết cắt giảm dư thừa sản xuất, báo cáo của EC cho rằng chính sách công nghiệp của nước này lại hướng đến điều ngược lại, và vốn do các công ty nhà nước đi đầu.

Báo cáo sử dụng từ “bóp méo” và “can thiệp” lần lượt 92 và 95 lần để nhận định về nền kinh tế Trung Quốc.

Theo Reuters,
Chân Hồ biên dịch

Xem thêm: