Trước thông tin cả nước hiện còn khoảng 700.000 tấn đường tồn kho vì giá rớt mạnh, doanh nghiệp ứ hàng, ôm nợ trong khi nông dân trồng mía phơi khô cả ruộng mía ngoài đồng vì không bán được. Đường nhập lậu vẫn liên tục tăng mạnh.

van chuyen duong
(Ảnh minh họa: nguoitieudung.com.vn)

Đầu năm 2018, sự việc người nông dân bán mía… lấy đường thay tiền lại tái lập vì nhiều nhà máy mất khả năng chi trả. Người nông dân điêu đứng, nhà máy thì bị tồn kho lớn khiến toàn nghành mía đường bị tê liệt.

Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho cả nước tính đến giữa tháng 6/2018 đã lên tới 700.000 tấn. Con số này đang tiếp tục tăng lên khiến nhiều nhà máy rơi vào tình cảnh khốn đốn, số tiền nợ mía mà doanh nghiệp nợ của người nông dân đã lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Các khoản nợ đang khiến doanh nghiệp mía đường đối mặt không ít khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp như Nhà máy mía đường Bình Định, nhà máy đường Nivl ở Long An… đã phải trả tiền mía cho nông dân bằng… đường. Những ngày qua, một số nông dân đã kéo đến các nhà máy để đòi tiền thanh toán mía, khiến cho bối cảnh thị trường càng thêm hỗn loạn.

Được biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp, lượng đường tồn trong kho của các doanh nghiệp ở mức cao kỷ lục.

Đường nhập lậu tràn ngập thị trường

Theo thông tin được đưa ra tại hội nghị giao ban công tác phối hợp 19 chi cục quản lý thị trường (QLTT) khu vực phía Nam do Chi cục QLTT tỉnh Hậu Giang tổ chức vào hôm 29/6, một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ngành đường trong nước là do hoạt động buôn lậu đường trong 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục tồn tại và có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, thống kê trong 6 tháng qua, các ngành chức năng đã phát hiện, tịch thu hơn 124 tấn đường.

Còn theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi năm có khoảng 500.000 tấn đường nhập lậu, bằng 30% lượng sản xuất trong nước. Vấn nạn đường nhập lậu tràn ngập thị trường đã khiến doanh nghiệp và người dân đều rơi vào tình huống khó khăn.

Theo lực lượng chống buôn lậu, đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan. Chính việc giá đường trong nước cao hơn đường Thái Lan nhập lậu từ 1.000 – 2.000 đồng/kg là nguyên nhân khiến đường trong nước không cạnh tranh nổi với đường nhập lậu, dẫn đến tiêu thụ chậm và tồn kho lớn.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết mặt hàng đường nhập lậu xảy ra tại tỉnh đang rất khó quản lý. Đối tượng buôn lậu vận chuyển đường từ biên giới về địa phương còn nguyên cả bao bì của Thái Lan và đưa thẳng vào doanh nghiệp. Tại đây, đường lậu được trộn, san chiết vào bao giấy loại 10 kg rồi đem bán trên thị trường.

Doanh nghiệp trước nguy cơ thua lỗ nặng

Trước tình trạng đường nhập lậu tràn ngập thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam – ông Phạm Quốc Doanh không khỏi lo lắng và cho biết một số nhà máy đang phải bán với giá thấp hơn hoặc bằng giá thành để bằng giá đường nhập lậu Thái Lan và giảm thiểu tồn kho. Điều này khiến các doanh nghiệp có nguy cơ bị thua lỗ nặng.

Cụ thể, ông Doanh cho hay hiện giá đường tinh luyện đã giảm khoảng 2.000 đồng/kg, đường trắng giảm từ 2.800-2.900 đồng/kg so với đầu vụ.

Ngoài đường lậu, lượng lớn đường lỏng được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam thời gian qua cũng đang gây áp lực lớn lên ngành mía đường trong nước.

Theo Tổng cục thống kê, năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hơn 67.000 tấn đường lỏng; đến năm 2016, con số đó tăng lên hơn 70.000 tấn; và tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017 lên gần 90.000 tấn. Loại đường này được bán với mức giá thấp, thêm vào đó là được ưu đãi về thuế nhập khẩu 0% đã gây thêm khó khăn cho ngành mía đường trong nước.

Năm 2017, cả nước có khoảng 41 nhà máy đường gắn liền với 33 vạn hộ nông dân trồng mía, 1,5 triệu lao động và hàng chục nghìn công nhân công nghiệp chế biến. Nếu các vấn nạn về buôn lậu, chính sách ưu đãi thuế thiếu hợp lý không được giải quyết, nguy cơ ngành mía đường trong nước tiếp tục rơi vào khủng hoảng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, thu nhập người dân mà còn tác động không nhỏ đến vấn đề xã hội.

Tường Văn

Xem thêm: