Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) dự báo nếu diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID) không có thay đổi lớn, ước tính quý 2 sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính số người mất việc và có nguy cơ bị ngừng việc sẽ tăng lên lần lượt 400.000 người và khoảng 3 triệu người.

việc làm covid-19
Doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng hoạt động kéo theo hàng triệu lao động bị mất việc, ngừng việc. (Ảnh: An Gi)

Gần 34.900 doanh nghiệp đang dừng hoạt động

Trong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý 1/2020 vừa công bố, Bộ KH-ĐT cho biết tính chung quý I, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% về số doanh nghiệp nhưng giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 552.419 tỷ đồng (giảm 23,5%), tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong Quý 1 chỉ đạt khoảng 903.788 tỷ đồng, giảm 17,7%.

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi tình hìnhdịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp e ngại đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong Quý 1 năm 2020 là 243.711 lao động, giảm 23,3%.

Ngoài số tổng lượng vốn đăng ký mới giảm thấp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 14.800 doanh nghiệp, giảm 1,6%, trong khi mức tăng cùng kỳ năm 2019 lên đến 78,1%. Điều này cho thấy mức độ giảm sút lớn của thị trường doanh nghiệp khi theo ghi nhận hàng năm, quý 1 thường là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới, do đó, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thời gian này sẽ nhiều nhất – theo báo cáo của Bộ KH-ĐT.

Ngoài ra, trong quý 1, gần 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tạm thời đóng cửa. Cụ thể, 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa (tăng 26% so với cùng kỳ năm trước); 12.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (giảm 20,6%), 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 0,02%).

Tình trạng ‘đình trệ’ việc làm có thể sẽ kéo dài hết quý 2

Bộ KH-ĐT cho biết lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý 1 ước tính là 48,9 triệu người, tăng 4.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý 1 tăng lên 2,22% (cùng kỳ năm 2019 là 2,17%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị là 3,18% (cùng kỳ năm 2019 là 3,11%); tại khu vực nông thôn là 1,73% (cùng kỳ năm 2019 là 1,67%).

Hiện cả nước có khoảng 25 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó, 11 triệu lao động trong doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, 10,4 triệu lao động trong doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 18 triệu lao động phi chính thức.

Mặc dù vậy, xu thế chung trong quý 1 là tình trạng các doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất. Từ đầu năm 2020, khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, tổng hợp theo báo cáo nhanh của các doanh nghiệp.

Sang đầu tháng 3, đặc biệt ở tuần thứ 2, con số này tăng lên trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Đây là thời điểm khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xác định hai “ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP.HCM).

Tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng, mức độ cắt giảm lên tới 70-80%.

Điều này khiến số người mất việc, bị ngừng việc tăng cao. Tính từ ngày 1/1 đến ngày 26/3, cả nước có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống,…

Bộ KH-ĐT dự báo nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính quý 2 sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc.

Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý 2 sẽ có 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Sơn Nguyên