Tận dụng vị thế thống trị về cung cấp mực ống, các đội tàu của Trung Quốc đang vươn mình đến những vùng đại dương xa xôi để đánh bắt mực, đồng thời gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc tại những vùng biển chiến lược.

tau cau muc
Tàu câu mực của Trung Quốc. (Ảnh: Randy Olson/National Geographic/Getty Images)

Theo thống kê của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), cả thế giới đang tiêu thụ hơn 2,7 triệu tấn mực hàng năm. Trong đó, phần lớn nguồn cung đến từ Trung Quốc khi các tàu cá nước này đánh bắt từ 50% – 70% sản lượng mực ống toàn cầu tại các vùng biển quốc tế.

Hiện thực hóa tham vọng biển

Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết việc đánh bắt mực ống đối với Bắc Kinh có nhiều ý nghĩa hơn cả kinh doanh. Theo một nhà nghiên cứu hàng đầu về chương trình đánh bắt mực ống toàn cầu của Trung Quốc, đây là “bước đi nhỏ nhưng quan trọng trong hành trình dài hơi nhằm chinh phục các đại dương trên thế giới của Trung Quốc”.

Việc theo dõi khu vực sinh sống và hành trình di chuyển của loài mực ống vốn có vòng đời ngắn (chưa đến 1 năm) là điều rất khó khăn. Do đó, hàng tuần, những ngư dân đánh bắt xa bờ của Trung Quốc thường nhận từ Bắc Kinh thông tin dự báo mới nhất về quy mô và địa điểm có nhiều mực ống.

Bên cạnh đó, Chính phủ Bắc Kinh còn chi hàng tỷ Đô la để trợ cấp nhiên liệu cho các tàu cá của ngư dân, chế tạo các tàu đánh bắt mực lớn và hiện đại, thậm chí còn gửi tàu y tế đến các ngư trường để cải thiện sức khỏe cho ngư dân Trung Quốc, giúp họ đánh bắt hiệu quả hơn.

SMCP dẫn lời nhà nghiên cứu giấu tên nói trên, cho biết Bắc Kinh đang nuôi dưỡng tham vọng thành siêu cường hàng hải toàn cầu, do đó, quốc gia này dành nhiều sự chú ý cho ngành đánh bắt mực ống và xem đó như “cuộc diễn tập” nhằm tăng cường sức mạnh tại các đại dương trên toàn cầu.

GS. Tian Yongjun thuộc Đại học Đại Dương Trung Quốc cho biết Bắc Kinh điều lượng lớn tàu cá đến các đại dương trên toàn thế giới để đánh bắt mực, cùng với đó là gửi các tàu nghiên cứu để tìm kiếm khoáng sản, dầu và các tài nguyên thiên nhiên khác.

Do đó, không ngạc nhiên khi có đến 70% lượng mực của Trung Quốc là được đánh bắt từ các vùng biển quốc tế. Và Trung Quốc đã mở rộng lực lượng hải quân nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Vét cạn vùng biển quốc gia khác

Sự gia tăng ảnh hưởng của đội tàu đánh bắt mực Trung Quốc dẫn đến không ít tác động xấu. Ngư dân Hàn Quốc cáo buộc tàu cá Trung Quốc khai thác quá nhiều mực ống ở biển Hoa Đông, khiến số lượng mực ống bị giảm mạnh trong vùng biển Hàn Quốc.

Một ngư dân tên Park Jung-gwi, sống tại Sokcho (Hàn Quốc), cho biết lợi nhuận của ông bị giảm gần 60% trong những năm gần đây vì sự cạnh tranh từ các tàu cá Trung Quốc.

“Các tàu của chúng tôi chỉ có thể đánh bắt được 15% số lượng mực ống so với các tàu của Trung Quốc. Chúng tôi thu hút mực bằng đèn, sử dụng các phương pháp truyền thống. Nhưng những tàu cá của Trung Quốc thì đang quét sạch đáy đại dương”, ông Park cho biết hồi tháng Một.

Thống kê từ Viện Hàng hải Hàn Quốc cho thấy số lượng mực đánh bắt được của nước này trong năm 2017 đã bị giảm gần một nửa so với năm 2003. Cùng thời kỳ, số lượng mực ở Nhật bị giảm lên đến -73%.

Tình cảnh tương tự cũng đang xảy ra đối với các ngư dân Đài Loan. “Đôi khi một lượng lớn tàu Trung Quốc đến và cuốn đi phần lớn sản lượng”, một chủ tàu ở Đài Loan cho biết.

Các tàu cá của Trung Quốc bắt đầu hoạt động tại khu vực Biển Đông của Bắc Triều Tiên vào năm 2004 theo thỏa thuận giữa hai nước, lúc đó Trung Quốc gửi khoảng 140 tàu vào khu vực biển của Triều Tiên. Tuy nhiên, đến nay con số đó đã lên đến 1.238 tàu Trung Quốc đang hoạt động trong khu vực này, theo một nguồn tin trích dẫn.

Chân Hồ

Xem thêm: