3 dự án BT được kiểm toán chọn mẫu có giá trị sau kiểm toán là 1.727,3 tỷ đồng, bằng 39% giá trị hợp đồng BT ban đầu (1.727,3 tỷ đồng/4.421,1 tỷ đồng).

bat cap du an BT
Cảnh quan thành phố nhìn từ đường Phạm Hùng, Hà Nội, ngày 4/7/2015. (Ảnh: Shutterstock)

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa báo cáo Quốc hội về công tác năm 2018, trong đó, chỉ rõ nhiều bất cập và sai sót trong một số hợp đồng theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) và thanh toán bằng quyền sử dụng đất ở Hà Nội.

Cụ thể, chỉ có 1 trong số 12 dự án trong giai đoạn 2013-2017 thực hiện đấu thầu, còn lại 11 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Cơ quan kiểm toán cho rằng, điều này làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án.

Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ cơ chế giao đất ở dự án đối ứng của dự án BT thực hiện chưa có sự thống nhất; việc triển khai thực hiện các dự án còn nhiều thay đổi về quy hoạch chi tiết, giá đất không sát với giá thị trường, khu đất đối trừ được giao chỉ định trái Luật Đất đai… tiềm ẩn nguy cơ có thể dẫn đến lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.

Qua kiểm toán chọn mẫu 3 dự án BT để thực hiện xác định lại giá trị của hợp đồng BT cho thấy giá trị hợp đồng BT của 3 dự án sau kiểm toán là 1.727,3 tỷ đồng, bằng 39% giá trị hợp đồng BT ban đầu (1.727,3 tỷ đồng/4.421,1 tỷ đồng).

Không chỉ ở Hà Nội, tại TP.HCM cũng có vấn đề liên quan đến đất đai. Cụ thể, giá cho thuê đất trong khu công nghệ cao chưa áp dụng các phương pháp xác định giá đất theo quy định của Chính phủ. Một số trường hợp cho phép miễn tiền thuê đất không đúng quy định, xác định giá thuê đất thấp hơn bảng giá đất quy định của thành phố.

Ngoài ra, việc cấp phép đầu tư cho một số dự án vào khu công nghệ cao không đáp ứng tiêu chí về doanh nghiệp công nghệ cao; chấp thuận một số trường hợp thuê nhà xưởng, văn phòng trong khu công nghệ cao nhưng hoạt động trong lĩnh vực không thuộc lĩnh vực được đầu tư vào khu công nghệ cao.

Kiểm toán cũng phát hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước cho 3 dự án không đúng quy định của Chính phủ 38,5 tỷ đồng; giải ngân từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ phát triển thành phố cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư với tổng nợ gốc và lãi ngân sách nhà nước phải trả 1.591,9 tỷ đồng không đúng quy định tại nghị định số 99/2003/NĐ-CP.

Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nhà nước; cơ quan nhà nước thanh toán bằng quỹ đất để nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư, sinh lợi nhuận.

Các chuyên gia cho rằng dự án BT rất dễ bị bóp méo, biến tướng vì lợi nhuận lớn từ đầu tư đất đai, hình thành nhóm lợi ích, trong khi việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ yêu cầu từ 10%-15% tổng vốn đầu tư. nhiều dự án chủ yếu được thực hiện bằng vốn vay ngân hàng, làm tăng giá trị dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính. Thực chất, gần như toàn bộ dự án (khoảng 85%) là vốn của Nhà nước hoặc là vốn Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động.

Từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh dừng xem xét, quyết định sử dụng đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.

Theo báo cáo, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 232 cuộc kiểm toán, đến ngày 30/9 đã triển khai 211 cuộc, kết thúc 150 cuộc, xét duyệt 140 dự thảo báo cáo, phát hành 85 báo cáo kiểm toán; dự kiến đến ngày 10/11/2018 sẽ kết thúc các cuộc kiểm toán và phát hành các báo cáo thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2018 trước ngày cuối cùng của năm.

Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 140 báo cáo kiểm toán là 56.009 tỷ đồng, trong đó thu về ngân sách 8.385 tỷ đồng, giảm chi 17.555 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 30.069 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 41 văn bản để bịt chỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí.

Nguyễn Quân

Xem thêm: