“Tôi đã làm việc với một số DNNN. Có doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì tối đa mức lương là 36 triệu, còn doanh nghiệp thua lỗ thì cũng đều đều nhận 36 triệu. Như vậy không tạo ra động lực”, ông Hoàng Trường Giang (Ban Kinh tế Trung ương) chia sẻ.

quan ly von nha nuoc
(Ảnh: scic.vn)

Tại Diễn đàn đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mới đây, ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết cơ chế chính sách tiền lương, thu nhập trong DNNN còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực cho phát triển.

Đặc biệt nhấn mạnh về lương của các vị trí lãnh đạo tại DNNN, ông Giang cho hay lương cao nhất hiện nay của các lãnh đạo DNNN là 36 triệu đồng/tháng, chưa tạo thành động lực để đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

“Tôi đã làm việc với một số DNNN. Có doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì tối đa mức lương là 36 triệu, còn doanh nghiệp thua lỗ thì cũng đều đều nhận 36 triệu. Như vậy không tạo ra động lực”, ông Giang nói.

Bên cạnh đó, một số mặt tồn tại được đại diện Ban Kinh tế Trung Ương đề cập là quá trình thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa DNNN còn diễn ra chậm tại nhiều địa phương. Theo kế hoạch năm 2018, TP.HCM phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, TP. Hà Nội là 11 doanh nghiệp, nhưng đến nay chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào.

Một số khó khăn, thách thức khác được ông Hoàng Trường Giang nhắc tới là việc xử lý tồn tại của 12 dự án yếu kém mới đạt được kết quả bước đầu, trong khi theo kế hoạch, 9/12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương cần phải được xử lý dứt điểm trước năm 2020; 4/19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang thua lỗ chuyển giao về Siêu ủy ban quản lý vốn Nhà nước phải xử lý xong trước 2020 theo mục tiêu đề ra.

Tại diễn đàn, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bà Nguyễn Minh Thảo cũng chỉ ra nguồn vốn của DNNN có xu hướng tăng mạnh qua các năm, nhưng tăng trưởng và doanh thu lại giảm xuống. Tỷ lệ đóng góp cho ngân sách Nhà nước chỉ là 22% và 28% cho GDP, trong khi kinh tế tư nhân đóng góp tới 48% GDP.

Điều này cho thấy khối DNNN đang thâm dụng vốn và đất đai rất lớn so với khu vực ngoài nhà nước. Do đó, bà Thảo cho rằng việc thực hiện cải cách ở khu vực này là một trong những yêu cầu quan trọng cần được giải quyết.

Dẫn kết quả nghiên cứu về mức độ sẵn sàng đối với CMCN 4.0 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc thực hiện, đại diện CIEM cho biết có hơn 23% DNNN không áp dụng khoa học công nghệ; trên 25% nói rằng không liên quan và gần 25% DNNN cho rằng nói rằng họ không thay đổi đáng kể khi CMCN 4.0 diễn ra.

“Phải chăng là sự độc quyền o bế từ trước đến nay mà họ chần chừ không muốn tham gia, thờ ơ không muốn thay đổi”, bà Thảo nêu.

Về tầm nhìn đến 2030, đa số ý kiến đều bày tỏ nếu không thực thi cải cách mạnh mẽ và có chiến lược phát triển DNNN cụ thể thì đến năm 2030, Việt Nam khó có thể có DNNN, tập đoàn lớn vươn tầm khu vực.

Minh Sơn (T/h)

Xem thêm: