Trung Quốc một ngàn năm trước là trung tâm của thế giới với nền kinh tế đi đầu và trình độ khoa học phát triển rực rỡ. Ấy vậy, một ngàn năm sau, người Trung Quốc không khỏi kinh ngạc khi đang sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lớn và nổi tiếng về hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên hơn hết, các quốc gia khác lại đang răm rắp theo sách lược của Trung Quốc.

bay no Trung Quoc
(Ảnh minh họa: sundaytimes.lk)

Tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Trung Quốc

Con số hào nhoáng về tốc độ phát triển cũng như quy mô của nền kinh tế đông dân nhất thế giới khiến nhiều quốc gia “lầm tưởng” về sức mạnh nền kinh tế Đại lục. Cần nhớ rằng Trung Quốc cần Mỹ và những nước khác để xuất khẩu hàng hóa, trong khi các quốc gia khác xuất khẩu vào nước này lại không nhiều. Thống kê từ CNBC cho thấy gần 90% thặng dư thương mại của Trung Quốc (hơn 375 tỷ USD) năm 2017 đến từ Mỹ. Và các nước như Đức, Anh, Ý, Pháp, Thụy Sĩ đều là những nước thuộc EU đang xuất khẩu lớn vào Mỹ. Do đó, càng không có lý do để Đức và EU đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp thương mại (nếu có).

Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu giá rẻ, điều này khiến nền kinh tế rất dễ bị tổn thương trước các xung đột thương mại và hàng rào thuế quan từ nước ngoài. Trong các xung đột thương mại Mỹ – Trung, Trung Quốc buộc phải đưa ra những nhượng bộ về giảm thuế, quyền sở hữu trí tuệ và mở rộng thị trường cho hàng Mỹ… mặc cho trước đó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới luôn đe dọa sẵn sàng chiến đấu với Mỹ đến cùng.

Tính theo thu nhập bình quân đầu người, nền kinh tế Trung Quốc có thực sự trở thành đối trọng thương mại lớn thứ hai thế giới sau Mỹ? Theo IMF, tính đến tháng 4/2018, thu nhập của bình quân của mỗi người Trung Quốc chỉ gần 28 USD/ngày, bằng 1/6 thu nhập của người Mỹ và người Singapore (hơn 170 USD/ngày), thậm chí thấp hơn nhiều so với Hồng Kông 133 USD/ngày.

Theo thống kê của Macquarie Research, Trung Hoa vào thế kỷ 15 và 16 chiếm khoảng 25% – 30% nền kinh tế toàn cầu. Nhưng đến khoảng năm 1950 – 1970, sau thế chiến 2 và dưới thời điều hành của Mao Trạch Đông, con số này đã giảm giật mình chỉ còn dưới 5%. Bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình, tăng trưởng bất chấp khiến Trung Quốc vươn lên chiếm khoảng 17% nền kinh tế TG vào năm 2015, gần tương đương với Mỹ. Song hậu quả là nhiều thành phố Trung Quốc bị ngập chìm trong khói bụi ô nhiễm, trở thành bãi rác thải công nghệ của thế giới, mức độ tín nhiệm quốc gia ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử… Trong khi Trung Quốc muốn thoát khỏi hậu quả của việc phát triển công nghiệp quá mức trong thập kỷ trước gây nên, nó hướng các quốc gia nhỏ khác đi vào “vết xe đổ” với những dự án hào nhoáng.

Tại sao Trung Quốc ngày càng ảnh hưởng rộng?

Có một danh sách dài những quốc gia đang mắc vào chiếc thòng lọng của chiến lược “Một vành đai, một con đường” – với mồi câu là các dòng tín dụng cho vay dễ dãi của Trung Quốc, như Argentina, Namibia, Sri Lanka, Djibouti, Nepal, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Hy Lạp, Ý, Úc… Những cái tên xuất hiện trải dài từ tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông, đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, châu Phi, thậm chí sang châu Âu.

Mặc cho việc có quá nhiều ví dụ thực tiễn mất đất, mất cảng và tài nguyên đã xảy ra, ngày càng có nhiều quốc gia trở thành một phần của chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Những quốc gia này sẵn sàng mời gọi và liên doanh với công ty Trung Quốc để làm dự án cảng biển, đặc khu kinh tế… bất chấp thực tế đang đặt các vùng chiến lược của đất nước trước nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc.

Có thể nhận thấy hai yếu tố khiến các quốc gia này tham gia vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Thứ nhất, các quốc gia nhỏ cần đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển nên dễ dàng rơi vào “bẫy” cho vay của Trung Quốc. Thực tế trong danh sách dài các nước thành viên của OBOR, chiếm phần lớn là các quốc gia đang phát triển.

Thứ hai, các chính trị gia và lợi ích nhóm – những người phê duyệt dự án sẵn sàng “đi đêm” với Bắc Kinh để xúc tiến dự án, lợi ích mà những người này nhận được có thể là công ty sân sau tham gia hoặc nhận cổ phần ưu đãi trong công ty liên doanh, hay công ty khác được lập nên dưới sự hậu thuẫn từ Trung Quốc. Thực tiễn tại Myanmar và Campuchia đã cho thấy phần lớn các doanh nghiệp nhà nước liên doanh với công ty Trung Quốc làm đặc khu kinh tế đều có mối quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo Đảng cầm quyền.

Chính vì một số lý do đó đã khiến chất lượng nhà thầu Trung Quốc cũng như các tác động về môi trường, an ninh quốc phòng đã dễ dàng bị bỏ qua tại các dự án liên doanh. Điều phổ biến thường thấy tại các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận thường là công nghệ máy móc lạc hậu, sử dụng nhân công Trung Quốc, dự án bị thiếu vốn hoặc đội vốn nhiều lần.

Điều gì đã khiến nhiều quốc gia rơi vào ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc?

Trước những bài học Argentina, Namibia, Campuchia…, Myanmar hay Sri Lanka, đáng ngạc nhiên khi nhiều quốc gia vẫn đang răm rắp theo sách lược của Trung Quốc. Lực lượng nào cần nêu tên khi sẵn sàng đẩy cả dân tộc vào nguy cơ khủng hoảng, vỡ nợ, thậm chí mất chủ quyền (dù núp dưới hình thức khai thác thương mại)?

Báo cáo “Nhân chứng toàn cầu năm 2014” về ngành công nghiệp khai khoáng của Myanmar đã chỉ ra: “Các chính trị gia tham nhũng trên toàn thế giới sử dụng các công ty hoặc sở hữu cổ phần bí mật tại một công ty khác để chiếm đoạt tài sản công với giá trị hàng tỷ đô la.

Do đó, việc phanh phui những người thật sự đứng đằng sau các công ty này là yếu tố rất quan trọng để đạt được cải cách đích thực tại Myanmar, nơi mà các gia đình quân đội và ông trùm tỷ phú có mối quan hệ chặt chẽ nhằm hưởng lợi từ quyền tiếp cận và kiểm soát tài nguyên quốc gia.”

chinh tri gia tham nhung
(Ảnh minh họa qua: zerohedge.com)

Các nghiên cứu về kế hoạch “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của Charlie Thame thuộc Viện Khoa học Chính trị, Đại học Thammasat (Thái Lan) cũng chỉ ra rằng OBOR thường liên quan đến một “mạng lưới ngầm” giữa các giới chính khách, giới tinh hoa, nhà tư vấn, nhà môi giới bất động sản… nhằm thiết lập các cơ chế giao dịch phức tạp để ngụy trang danh tính của các chủ sở hữu nắm giữ lợi ích thực sự đằng sau kế hoạch OBOR.

Còn theo một báo cáo từ Financial Times, các quan chức Trung Quốc ước tính sẽ phải mất chừng 50% giá trị khoản đầu tư vào tham nhũng ở Myanmar. Trong khi Tổ chức Minh bạch toàn cầu ước tính có đến 10 tỷ USD dòng vốn phi chính thức chảy vào Myanmar trong năm 2013, tương đương 20% GDP nước này. Họ ước tính rằng 45% các luồng tài chính bất hợp pháp kết thúc tại các trung tâm tài chính nước ngoài.

Ngày nay, lần lượt các quốc gia bị rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc như Sri Lanka, Nepal, Pakistan, Myanmar đang dần bắt đầu nhận ra việc hợp tác với Trung Quốc là một mối nguy hại và hủy bỏ các dự án thủy điện, xây đập, cảng biển với Trung Quốc. Đó là bài học minh xác cho các quốc gia đi sau đã và đang đưa ra những lựa chọn có ảnh hưởng lâu dài đến vận mệnh dân tộc. Bởi cái giá phải trả không chỉ là  sự sút giảm về kinh tế, mà còn là chủ quyền lãnh thổ, sự vong tồn của quốc gia.

Tường Văn

Xem thêm: