Tăng trưởng GDP quý III cao đột biến, Bộ GTVT phản đối kiến nghị loại bỏ Grab và Uber của Hiệp hội Taxi Hà Nội, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn nhất nếu chiến tranh Triều Tiên xảy ra, ngân hàng Goldman Sachs sẽ phát triển các dịch vụ liên qua đến bitcoin, và Trung Quốc ngập chìm trong núi nợ vì đường sắt cao tốc là những tin kinh tế nổi bật trong tuần qua.

tin tuc kinh te 2 8Oct

Tin kinh tế Việt Nam

  • Tăng trưởng GDP quý III cao đột biến phản ánh điều gì? GDP quý III của Việt Nam tăng đột biến 7,46% (mức cao nhất trong 6 năm trở lại) khiến nhiều chuyên gia kinh tế ngờ vực mức độ đáng tin cậy của số liệu. Thậm chí, nhiều chuyên gia từ chối bình luận về con số này.
    Tại buổi họp báo chính phủ, Bộ trưởng Văn phòng chủ nhiệm Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế đột biến không phải do khai khoáng, cũng không phải vì tăng trưởng tín dụng. Đồng thời ông tiết lộ sản xuất thành phẩm điện tử, đặc biệt là điện thoại tăng cao.
    Dòng điện thoại Galaxy Note 8 mới ra mắt đã đẩy sản xuất tại các nhà máy của Samsung tại Việt Nam tăng cao. Nâng giá trị xuất khẩu của Samsung năm 2017 ước tính 50 tỷ USD, chiếm tới  22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
    Xét về bản chất của tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Giang, thành viên Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng GDP như Tổng Cục Thống Kê công bố, điều chắc hẳn là chính phủ đã phải đánh đổi một số yếu tố về mặt vĩ mô, tăng trưởng dựa vào những yếu tố ngắn hạn như đầu tư nước ngoài và khai khoáng nhiều là không bền vững.
  • 2 triệu tỷ đồng đầu tư công đang được quản lý ra sao? Trong tổng số 2 triệu tỷ vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Trong đó, vốn dành cho đầu tư phát triển đã được Thủ tướng giao là 1,6 triệu tỷ đồng (89,2%), vốn còn lại chưa giao là hơn 194 ngàn tỷ, và dành dự phòng 200 ngàn tỷ.
    Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn chậm đã làm giảm hiệu quả nguồn vốn. Trong số đó, có 10 ngàn tỷ đồng chống ngập cho TP. HCM vẫn chưa thể giao vốn, 15 ngàn tỷ dự kiến chi cho 4 dự án của ngành đường sắt, và 55 ngàn tỷ cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
  • BOT Cai Lậy giảm giá vé, sẽ thu phí trở lại trong tháng 10. Theo đó, mức phí thấp nhất là 25.000 đồng/lượt (mức cũ là 35.000 đồng) cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; cao nhất là 140.000 đồng/lượt (mức cũ là 180.000 đồng) đối với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container trên 40 fit.
    Miễn phí cho người dân không kinh doanh vận tải tại 4 xã sống gần trạm thu phí là Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy. Giảm 50% cho các phương tiện kinh doanh vận tải tại các xã nêu trên và xe buýt nội tỉnh tỉnh Tiền Giang.
  • Đầu tư Hàn Quốc – Lực đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam. Trong 9 tháng qua, Hàn Quốc soán vị trí thứ nhất trong số 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 6,31 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư. Đầu tư của Hàn Quốc cũng kéo theo 23,3 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, thiết bị vào Việt Nam chỉ trong 9 tháng.
    Bê bối chính trị khiến cựu Tổng thống Hàn QuốcPark Geun-hye bị phế truất, Phó chủ tịch Tập đoàn SamsungLee Jae-yongphải ngồi tù 5 năm, khủng hoảng hạt nhân đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên… là những sự kiện chính trị diễn ra dồn dập khiến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc tăng đột biến, và Việt Nam là nơi mà dòng vốn Hàn Quốc lựa chọn để “trú ngụ”.
  • Taxi truyền thống muốn loại bỏ Grab, Uber – Bộ GTVT nói gì? Trước kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội, đại diện Bộ GTVT cho rằng, không thể bắt Grab, Uber dừng hoạt động như kiến nghị, vì đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng, việc gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp có quyền làm.
    Theo đại diện của Bộ GTVT, bản chất hoạt động của Grab, Uber chỉ là sử dụng hình thức hợp đồng điện tử thay vì bằng giấy, và họ cũng đều có đăng ký kinh doanh, công khai giá cả như các hãng truyền thống khác.
    Trong khi nhiều hãng taxi truyền thống phải vật lộn để cạnh tranh và tồn tại, thì sự xuất hiện của Grab và Uber lại không ngừng phát triển và thị phần ngày càng được mở rộng, điều này đã đẩy các hãng taxi truyền thống vào tình huống khó khăn. Số lượng xe Grab và Uber đã vượt 50.000 chiếc trên toàn quốc.

Tin kinh tế thế giới

  • Việt Nam sẽ chịu tác động lớn nhất nếu chiến tranh Triều Tiên xảy ra. Điều này được lý giải bằng sự phụ thuộc kinh tế ngày càng chặt chẽ của Việt Nam vào chaebol Hàn Quốc cũng như ràng buộc kinh tế Việt Nam với các nước trực tiếp liên quan tới xung đột.
    Theo chuyên gia Mody’s đánh giá, Hàn Quốc là nước đứng đầu về đầu tư FDI, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước cũng lớn. Theo báo cáo, có khoảng 20% sản phẩm trung gian của Việt Nam được nhập từ Hàn Quốc.
    Báo cáo dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2017, Việt Nam nhập chủ yếu sản phẩm công nghệ thông tin và linh kiện điện tử từ Hàn Quốc. Nếu bị gián đoạn nguồn cung ứng, Việt Nam có nguy cơ cao chịu tác động xấu đối với thương mại và sản xuất nội địa.
  • Ngân hàng Goldman Sachs sẽ phát triển các dịch vụ liên quan đến bitcoin? Theo nguồn tin từ Bloomberg cho hay, ngân hàng có trụ sở tại New York này đang đàm phán với các chuyên gia giao dịch tiền ảo để tìm ra các biện pháp triển khai thực hiện giao dịch bitcoin một cách hiệu quả nhằm phục vụ khách hàng của họ.
    Trong thời gian chờ đợi, Goldman Sachs có thể thu lợi lớn từ các hoạt động giao dịch mới của loại tài sản biến động cao như tiền tệ kỹ thuật số, nhất là trong bối cảnh giao dịch trái phiếu đang có chiều hướng giảm. Theo báo cáo của ngân hàng này, giao dịch trái phiếu trong quý 2/2017 đã giảm 40%.
  • Trung Quốc ngập trong núi nợ vì đường sắt cao tốc. Tổng công ty đường sắt Trung Quốc (CRG), đơn vị điều hành hệ thống tàu cao tốc đang ngập mình trong đống nợ hơn 700 tỷ USD (tương đương 15,9 triệu tỷ đồng).
    Kể từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, khối nợ của CRG đã gia tăng không ngừng nghỉ, từ mức 658,7 tỷ NDT (2,3 triệu tỷ đồng) của Bộ đường sắt năm 2007, lên 2,79 ngàn tỷ NDT (9,25 triệu tỷ đồng) năm 2012, và lên đến mức 4,77 ngàn tỷ NDT (16,34 triệu tỷ đồng) vào cuối tháng 6/2017.
    khoi no cua CRG gia tang khong ngung
    Khối nợ của CRG gia tăng không ngừng nghỉ (Số liệu: Nikkei | Đồ họa: TTVN)


    Cách đây 2 thập kỷ, Nhật Bản cũng đã trải qua tình cảnh tương tự CRG bây giờ. Rõ ràng, kinh nghiệm từ Nhật Bản và Trung Quốc sẽ là bài học quan trọng cho các nước đi sau, nơi  đang có các dự án đường sắt cao tốc hào nhoáng cũng đang được triển khai.

Khu vực ngân hàng

  • Đại án Oceanbank: Nguyễn Xuân Sơn kháng cáo án tử hình. Ngày 6/10, TAND TP. Hà Nội cho biết cơ quan này vừa nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Trong đơn kháng cáo, bị cáo Sơn cho rằng mình không phạm tội Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như tòa cấp sơ thẩm tuyên án. Bị cáo chỉ thừa nhận phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và xin cấp phúc thẩm xem xét về tính chất, mức độ phạm tội và áp dụng mức án nhẹ hơn.
  • Đề nghị kê biên hàng loạt bất động sản của ông Trầm Bê. Cụ thể, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị kê biên 2 quyền sử dụng đất liên quan đến ông Trầm Bê gồm quyền sử dụng đất tại số 591 (số cũ 26) An Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân và quyền sử dụng đất tại số 601 Hồng Bàng, phường 6, quận 6, TP. HCM.
    Cơ quan điều tra cũng đề nghị phong tỏa 4 tài khoản của CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt mở tại BIDV (CN Nam Kỳ Khởi Nghĩa), với số dư hiện tại hơn 33 tỷ đồng, và đã có văn bản phong tỏa 16.000 cổ phần của công ty này tại CTCP Đất may mắn để phục vụ công tác thu hồi tài sản.
    Quá trình điều tra bổ sung, ngoài 2 bị can ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang ra,, thì cơ quan điều tra cũng đề nghị VKSND Tối cao truy tố đối với 20 bị can khác trong đó có Nguyễn Việt Hà, Giám đốc quỹ Lộc Việt; các bị can thuộc ngân hàng TPBank; các cá nhân tại ngân hàng BIDV.
  • Chính phủ yêu cầu NHNN thanh tra 2 ngân hàng MaritimeBank và Eximbank. Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 10400 về việc “Giải quyết đơn tố cáo của bà Trương Thị Đào – Giám đốc Công ty TNHH Quốc Hân”.
    Theo đơn tố cáo, bà Trương Thị Đào kiến nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét lại các quyết định công nhận hòa giải của TAND tỉnh Khánh Hòa theo thủ tục tái thẩm về việc “Xét xử vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại giữa MaritimeBank và Công ty TNHH Quốc Hân, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Khải Hoàn, Công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ Thiên Kim, Công ty TNHH Long Thủy”.
    Cùng với đó, bà Đào đề nghị cơ quan chức năng điều tra về dấu hiệu lừa đảo của bà Nguyễn Thị Thu Khánh – nguyên Giám đốc Ngân hàng Eximbank và một số cá nhân có liên quan trong việc lập các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản.
  • Năm 2020 Việt Nam sẽ dần vắng bóng tiền mặt. Đó là kế hoạch của NHNN về việc phát triển thanh toán bằng thẻ giai đoạn 2017-2020 vừa mới được ban hành. Theo đó, đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS (Point of Sale) được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch/năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán khi mua hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ phục vụ thu ngân sách Nhà nước.
  • Thị trường tài chính tiêu dùng tiếp tục sôi động. Techcombank dự kiến bán 100% vốn TechcomFinance, đối tác mua lại được đồn đoán là Lotte Card, một thành viên của ông lớn Lotte Group Hàn Quốc. Một động thái khác, Prudential lại đang lên kế hoạch “chốt lời” Công ty Tài chính Prudential Việt Nam với mức giá đòi hỏi lên đến 150 triệu USD (hơn 3.400 tỷ đồng).
    Vào tháng trước, công ty tài chính thuộc MBBank – MCredit cũng chính thức có sự thay đổi với tên gọi mới MB Shinsei, với sự góp mặt của cổ đông đến từ Nhật Bản Shinsei Bank sở hữu 49% vốn điều lệ.
    Công ty tiên phong trong lĩnh vực này, FE Credit (trực thuộc VPBank) cũng tăng cường thực lực bằng việc gia tăng vốn điều lệ từ 2.970 tỷ đồng 4.490 tỷ đồng.
    Sức nóng của thị trường cho vay tiêu dùng trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng đến 30/6/2017 đã tăng lên khoảng 744 ngàn tỷ, chiếm 12,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ cho vay của các công ty tài chính khoảng 97 ngàn tỷ, chiếm 13% tổng dư nợ tiêu dùng.

Thị trường chứng khoán

  • VnIndex lọt top 10 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Tính tới hết phiên giao dịch cuối tuần qua (6/10), chỉ số VnIndex dừng tại 807,8 điểm, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tăng 21,6% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất Đông Nam Á và đứng thứ 10 trên thế giới.
  • Tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam vượt 120 tỷ USD, tương đương với 60% GDP. Đây là con số được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra về giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2017.
    Theo thống kê của NDH, tính đến cuối quý III/2017, vốn hóa thị trường sàn chứng khoán TP. HCM HOSE đạt 2,06 triệu tỷ đồng, sàn Hà Nội HNX đạt 196 ngàn tỷ, và sàn UPCoM gần 500 ngàn tỷ đồng.
  • Khối ngoại mua hơn 1 triệu cổ phiếu LienVietPostBank trong ngày đầu chào sàn UPCoM (5/10). Giá cổ phiếu LPB chào sàn ở mức 14.800 đồng, giao dịch cao nhất là 15.800 đồng và thấp nhất là 13.500, đóng cửa tại 14.200 đồng/cổ phiếu.
  • Tổng công ty Vinaincon của Bộ Công thương chuẩn bị lên sàn với số lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng. Sở GDCK Hà Nội vừa quyết định chấp thuận cho Tổng CTCP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) được đưa 55 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán VVN.
    Tính đến 30/6/2017, Bộ Công thương vẫn là cổ đông lớn sở hữu 82,75% cổ phần của Vinaincom.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: