gia dau tang
(Ảnh: Shutterstock)

Trong tuần qua có nhiều thông tin kinh đáng chú ý. Đơn cử như việc giá dầu lại tăng do áp lực tồn kho lớn và OPEC nghiêng về việc gia hạn cắt giảm sản lượng được cho là sẽ làm giá dầu tăng trong năm nay đẩy chỉ số PMI nhiều nước lên cao. Thất bại của dự thảo Trumpcare nhằm thay thế luật Obamacare hiện tại cũng cho thấy sự tín nhiệm vào các chính sách kinh tế của người dân Mỹ dành cho tân Tổng thống Donald Trump suy giảm nghiêm trọng.

Kinh tế thế giới

  • Dự luật chăm sóc sức khỏe “Trumpcare” thất bại. Với việc Hạ viện hủy bỏ phiếu về dự luật bảo hiểm y tế của Tổng thống Donald Trump – Dự luật Bảo hiểm y tế Mỹ (AHCA) hay còn gọi Trumpcare, luật bảo hiểm y tế Tổng thống Barack Obama ban hành năm 2010 – Obamacare vẫn không bị suy suyển. Hay có thể nói đến thời điểm này Trumpcare đã bị Obamacare đánh bại. Sự ủng hộ dành cho các chiến lược kinh tế của Trump cũng bị đặt dấu hỏi lớn sau thất bại lần này.
  • Khai mạc Diễn đàn kinh tế châu Á Bác Ngao 2017. Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) kéo dài trong 4 ngày (23-26/3) tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) với sự tham dự của hơn 1.700 đại biểu là chính khách, thương gia, … Với chủ đề “Toàn cầu hóa và thương mại tự do: Tương lai của châu Á”, diễn đàn lần này xoay quanh 4 mảng chính gồm:
    + Toàn cầu hóa (tập trung vào “Một vành đai, một con đường”, hợp tác khu vực châu Á, vòng đàm phán Doha, xây dựng lại chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương);
    + Tăng trưởng (Giới hạn của chính sách tiền tệ, đầu tư xuyên biên giới, tinh thần người thợ, phục hồi đầu tư nhân dân…);
    + Cải cách (Cải cách kết cấu cung cầu, cải cách thị trường lao động, cải cách y tế, cải cách cơ chế đất đai, cải cách thương mại, Cách mạng công nghiệp lần 4…);
    + Kinh tế mới (Thiết kế công nghiệp, kinh tế chia sẻ, sáng tạo thung lũng Silicon, khởi nghiệp và nguồn vốn, khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài chính…).
  • Kỷ niệm sinh nhật sáu thập niên EU. Ngày 25/3 vừa qua, EU đã tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 trong tâm trạng đặc biệt bởi vừa có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được lại vừa lo âu về tương lai. Sự ly khai của Anh (Brexit), cuộc khủng hoảng người tị nạn, chính quyền mới ở Mỹ, sự trỗi dậy của các lực lượng cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa, khó khăn trong tăng trưởng kinh tế và khủng hoảng tài chính, nợ công cũng như nguy cơ tấn công khủng bố khiến lễ kỷ niệm sáu thập niên tồn tại không thể là ngày hội lớn của EU.
  • Giá nhà ở Trung Quốc tăng nhanh bất chấp các biện pháp hạn chế. Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, vào hôm thứ Bảy, giá nhà mới (không bao gồm nhà ở trợ cấp) đã tăng tại 56 trong số 70 thành phố đang thuộc diện giám sát của Chính phủ trong tháng 2/2017, so với 45 thành phố trong tháng 1/2017.
    So sánh cùng kỳ năm ngoái, giá nhà ở đã leo thang ở 67 trên 70 thành phố, so với con số 66 thành phố trong tháng Giêng. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, giá nhà ở tại hầu hết các thành phố ở Trung Quốc đã tăng đột biến. Tại Bắc Kinh, giá nhà mới đã tăng 24% trong tháng 2 so với năm trước, trong khi Thượng Hải tăng 25%, và ở Thẩm Quyến là 14%.
  • Giá dầu tăng do OPEC có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Dưới ảnh hưởng ngày càng lớn của việc sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ, và dự trữ dầu tại nhiều nước công nghiệp vẫn đang ở mức cao, đại diện của OPEC mới đây đã phát biểu rằng: “Việc kéo dài thời hạn của thỏa thuận cắt giảm sản lượng là rất cần thiết để cân bằng thị trường dầu mỏ. Và nỗ lực này cần có sự tham gia của cả các nước ngoài OPEC.”

Kinh tế Việt Nam

  • Đến 15/3: Nhập siêu 1,81 tỷ USD. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/3/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 72,26 tỷ USD, tăng 19,7% (tương ứng tăng hơn 11,87 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 3/2017 thâm hụt gần 982 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 3/2017 thâm hụt gần 1,81 tỷ USD.
  • VAMC xin tăng vốn điều lệ gấp 5 lần lên 10.000 tỷ đồng. VAMC khi thành lập được cấp vốn điều lệ 500 tỷ đồng vào năm 2013, sau đó được Chính phủ bổ sung vốn điều lệ lên mức 2.000 tỷ đồng (tăng 300%) vào năm 2015. Và hiện tại là kế hoạch tăng gấp 5 lần vốn. Tuy nhiên, vấn đề khúc mắc lớn nhất hiện nay đối với VAMC là cơ chế mua bán và xử lý nợ xấu sau khi đã được mua về. Bởi xét cho cùng, mục tiêu cuối cùng của xử lý nợ xấu là để thu hồi được vốn vay.
  • Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn loại chủ đầu tư. Liên danh nhà đầu tư do UDIC đứng đầu đã nhượng lại dự án Bắc Giang-Lạng Sơn cho Công ty CP XNK tổng hợp Hà Nội (Geleximco). Trước đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC trong liên danh 6 thành viên đã đột ngột rút khỏi dự án chỉ sau một tháng động thổ. Nhưng dự án cao tốc gần 12 ngàn tỷ này có phải là trường hợp duy nhất bị nhà đầu tư cho rơi vào thế “bí”? Và dù thay đổi về nhà đầu tư, thì liệu mục đích xã hội hóa của hình thức đầu tư này có được đảm bảo?
  • Ngày 26/3, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Nam năm 2017, Thủ Tướng kêu gọi các “con sếu lớn” hãy đổ bộ vào Quảng Nam. Khi mà đất đai ở Đà Nẵng đang ngày càng nóng lên mấy ngày qua, hướng bắc Đà Nẵng lại đụng đèo Hải Vân nên Quảng Nam nghiễm nhiên trở thành bệ phóng tiếp theo cho sự phát triển. Nắm bắt được xu hướng này, các tổ chức tín dụng gia tăng nguồn vốn cho vay tại Quảng Nam cũng nhằm lợi ích sát sườn, nhằm nắm bắt cơ hội đầu tư theo xu hướng chuyển dịch kinh tế đang thể hiện rõ nét.
  • Viêt Nam chi đầu tư hạ tầng thuộc hàng cao nhất Châu Á. Mặc dù có quy mô nền kinh tế chưa lớn, song Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ chi đầu tư phát triển hạ tầng cao nhất châu Á. Giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực công và tư nhân Việt Nam đã đạt mức bình quân khoảng 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
    Tại châu Á, mức đầu tư hạ tầng của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc (6,8%), theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mức chi của Indonesia và Philippines là dưới 3% GDP, trong khi Malaysia và Thái Lan chi tiêu cho hạ tầng chưa tới 2%.

Khu vực ngân hàng

  • Trưa ngày 24/3, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can bà Hứa Thị Phấn, người nắm giữ hơn 84% cổ phần ngân hàng này (nay đối tên là NH Xây Dựng) được cho là đã cấu kết với Chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Toàn và Tổng giám đốc Trần Sơn Nam rút ruột ngân hàng Đại Tín (TrustBank) thông qua các phi vụ đầu tư, mua bán bất động sản,..
  • Gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Chiều 23/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi họp với các bộ, ngành bàn về việc triển khai Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ ngày 7/3/2017, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn từ 0,5- 1,5% so với lãi suất thị trường.
  • Thêm một ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ vào Việt Nam. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông rất vui vì Việt Nam đã chấp thuận về mặt nguyên tắc sẽ cấp phép cho Ngân hàng UOB của Singapore được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
  • VietABank thay tổng giám đốc. Theo thông tin từ phía ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), ngày 21/03/2017, ông Lê Xuân Vũ đã chính thức được VietABank chấp thuận đơn xin nghỉ việc vì lý do cá nhân sau một thời gian nghỉ chế độ để khám chữa bệnh. Đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hảo – Phó Tổng giám đốc thường trực vào vị trí Quyền Tổng giám đốc của ngân hàng. Ông Hảo đã có một thời gian giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành của VietABank.
  • VPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 10.765 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỷ đồng lên 10.765 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên của VPBank thông qua. Năm 2016, ngân hàng đạt lợi nhuận 3.400 tỷ đồng và ngân hàng hợp nhất đạt 4.900 tỷ – cao nhất từ trước tới nay.

Thị trường chứng khoán

  • Cổ phiếu Vinamilk khởi động chu kỳ tăng giá mới. Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam biến động khá êm đềm kể từ đầu năm đến nay bất chấp sự cuồng nhiệt của giới đầu tư đối với các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như bất động sản, ngân hàng. Kết thúc phiên cuối tuần, cổ phiếu có mức giá đóng cửa 141.700 đồng, 5,8% trong tuần vừa qua.
  • Hoạt động kinh doanh của VNM khá ổn định khi liên tục tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận theo số liệu thu thập được từ 2004, và chỉ có đúng một năm VNM chững lại là năm 2014. Mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu luôn ở mức cao khoảng trên 30%/năm, cộng với chiến lược tăng trưởng nhờ việc mở rộng thị trường nước ngoài, tập trung vào sản phẩm có biên lợi nhuận cao cũng như “ game” thoái vốn được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng cho VNM trong năm nay.
  • Mekong Enterprise Fund II bán hụt 1 triệu cổ phiếu Thế giới Di động (MWG). Kế hoạch thoái vốn từng phần của Mekong Enterprise Fund II tại MWG đã có từ tháng 9/2016. Tại thời điểm đó, quỹ này nắm trong tay 13,54 triệu cổ phiếu MWG. Hiện tại số cổ phiếu này đã giảm xuống còn 8 triệu cổ phiếu, tương đương 5,2% vốn sở hữu. Thế giới Di động hiện có tất cả 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 32,51% vốn sở hữu. Trong đó, Mekong Fund nắm giữ 5,2%.
  • Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, Vinaship chính thức bị hủy niêm yết từ 21/04. Sở GDCK TPHCM vừa có quyết định về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu của CTCP Vận tải biển Vinaship (mã chứng khoán: VNA). Nguyên nhân cổ phiếu VNA bị hủy niêm yết là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2016 âm 205 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp là 200 tỷ đồng căn cứ trên BCTC kiểm toán 2016. Sẽ có 20 triệu cổ phiếu VNA sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 21/04/2017 và ngày giao dịch cuối cùng là 20/04/2017.
  • VietinBank Capital đã bán 3 triệu cổ phần tại Gelex ngay sau khi trở thành cổ đông lớn. Theo đó, ngày 21/03/2017, VietinBank Capital đã bán 3 triệu cổ phiếu GEX của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam và giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,7% (13.120.101 cổ phiếu) xuống còn 4,4% (10.120.101 cổ phiếu) và không còn là cổ đông lớn của GEX.

Chân Hồ(T/H)

Xem thêm: