Với thị phần áp đảo của Trung Quốc đối với nhiều sản phẩm y dược, thiết bị y tế, liệu các quốc gia có phải đối diện với tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng thuốc trong đại dịch COVID-19?

virus corona, COVID-19
Một y tá chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Kim Ngân Đàn (Jinyintan) ở Vũ Hán, ngày 16/2/2020. (Ảnh: Cpt.kama/Shutterstock)

80% dược phẩm bán tại Mỹ sản xuất tại Trung Quốc

Tháng 7/2019, Ủy ban xem xét các vấn đề an ninh kinh tế Trung Mỹ đã thực hiện một phiên điều trần về sự phụ thuộc của ngành dược phẩm nước này với các nhà cung cấp Trung Quốc. Phiên điều trần chỉ ra thực tế đáng lo ngại là tới 80% dược phẩm bán tại Mỹ sản xuất tại Trung Quốc, 97% các sản phẩm kháng sinh sử dụng tại Mỹ cũng do các nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp.

Đáng ngại hơn, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất, đôi khi là duy nhất một số thành phần thuốc sử dụng trong điều trị ung thư vú, ung thư phổi và kháng sinh đặc trị cho một số chủng nhiễm trùng kháng kháng sinh. Trung Quốc còn kiểm soát phần lớn thị phần heparin – hoạt chất làm loãng máu sử dụng trong phẫu thuật tim hở, lọc thận và truyền máu.

Bên cạnh dược phẩm, Trung Quốc còn là nhà cung cấp thiết bị y tế lớn nhất toàn cầu. Các thiết bị chụp cộng hưởng từ, áo choàng phẫu thuật, thiết bị đo nồng độ oxy của Trung Quốc đang chiếm thị phần chủ đạo.

Nếu vì đại dịch COVID-19 mà nguồn cung các thiết bị này bị gián đoạn, sự sống còn của hàng ngàn người bệnh có thể bị đe dọa, chưa kể trong bối cảnh dịch bệnh, khả năng Trung Quốc cấm, hạn chế xuất khẩu thuốc và các thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu trong nước là rất cao. Những điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các nước có mặt hàng dược phẩm, thiết bị y tế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Gián đoạn nguồn cung ứng dược phẩm toàn cầu?

Đại dịch bùng phát không thể kiềm chế tại Trung Quốc hiện nay khiến cho những lo ngại trên đang tiến dần tới hiện thực. Thế giới biết đến COVID-19 chưa được 2 tháng thì nhiều nơi trên thế giới đã thiếu hụt khẩu trang, các thiết bị y tế.

Quỹ UPS vừa vận chuyển hơn 2 triệu chiếc khẩu trang và 11.000 bộ đồ bảo hộ từ Mỹ đến Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả các nơi đều thiếu?

Ngoài lĩnh vực điện tử, xe hơi, Vũ Hán là nơi sản xuất nhiều chế phẩm sinh học và dược phẩm với nhiều công ty đa quốc gia đặt trong thành phố. Vũ Hán cũng là nơi có phòng thí nghiệm sinh học mức 4 (BSL4) nghiên cứu về SARS và các bệnh cấp khác. Đây là phòng thí nghiệm duy nhất ở Trung Quốc có thể xử lý được các mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới, có khả năng lây nhiễm cao.

Lây nhiễm, tử vong và kiểm dịch gắt gao tại Vũ Hán và cũng như các địa phương trong tỉnh Hồ Bắc đang hạn chế các hoạt động kinh doanh tại khu vực. Nếu hoạt động sản xuất của Vũ Hán bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa, cách ly, các công ty ở đầu cuối trong chuỗi công nghiệp ở bên ngoài tỉnh Hồ Bắc hay ngoài Trung Quốc có thể phải đối mặt với vấn đề gián đoạn về cung cấp và sản xuất.

“Các nhà thuốc trên thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác nếu vấn đề về nguồn cung từ sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) ở Trung Quốc không thể sớm được giải quyết”, ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu (EU) tại Trung Quốc đưa ra cảnh báo vào ngày 18/2.

Tuệ San

Xem thêm: