Dịch corona tấn công vào trung tâm của ngành công nghiệp nước Ý đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa và đe dọa làm suy giảm nền kinh tế châu Âu.

shutterstock 1656925219
Thành phố Milan vắng vẻ trong dịch corona (Ảnh: Shutterstock)

Đến ngày 29/2, Ý là một trong ba “ổ dịch” lớn nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc Đại lục và Hàn Quốc với 889 ca nhiễm bệnh và 21 ca tử vong. Dịch bệnh đã tấn công nặng nề nhất vào Lombardy – vùng công nghiệp giàu có bậc nhất ở phía Bắc nước Ý, nơi sinh sống của 10 triệu dân và có thủ phủ là thành phố Milan. 

Lombardy không chỉ là khu vực thịnh vượng nhất của Ý, mà còn là một trong ba vùng giàu có nhất châu Âu, với GDP hàng năm đạt trên 400 tỷ USD, GDP đầu người cao hơn khoảng 30% mức trung bình của cả nước và 20% mức trung bình của châu Âu.

40% các công ty đa quốc gia hoạt động tại Ý đặt trụ sở tại Lombardy. Nhiều công ty nước ngoài và công ty lớn trong nước trong các lĩnh vực sản xuất sắt thép, ôtô, thiết bị cơ khí, hóa chất, dệt may, đồ gỗ, thuộc da, giày dép và các sản phẩm khác đều có mặt tại Milan. 

Dịch corona bùng phát tại Lombardy đã đặt nhiều thị trấn trong vùng vào diện phong tỏa nghiêm ngặt. Trong khi đó, các trường học, cửa hàng, doanh nghiệp đã bị đóng cửa.

Công ty Giải pháp Tự động Tiên tiến MTA của ông Antonio Falchetti chuyên sản xuất phụ tùng linh kiện cho hệ thống điện của xe hơi và cung cấp cho một số nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Một trong những nhà máy đó nằm tại Thượng Hải. Khi dịch corona trở thành tình trạng y tế khẩn cấp tại Trung Quốc vào tháng 1, ông Falchetti đã buộc phải giảm đáng kể công suất nhà máy và chỉ hoạt động với số ít lao động.

Không lâu sau khi nhà máy của ông ở Thượng Hải hoạt động trở lại vào ngày 17/2, MTA lại phải đương đầu với một vấn đề mới: một nhà máy khác tại thành phố Codogno thuộc vùng Lombardy bị đóng cửa do dịch corona. Không chỉ MTA, chính quyền đã đóng cửa tất cả các nhà máy tại địa phương.

Ông Falchetti cho rằng chính quyền đã phản ứng thái quá. Ông nhận định việc phong tỏa Codogno, một thành phố 16.000 dân cách Milan 65km về phía nam, sẽ khiến các nhà máy tô tô khắp châu Âu đối mặt nguy cơ khủng hoảng do thiếu các phụ tùng, linh kiện chủ yếu để vận hành sản xuất. 

“Tôi hy vọng nhà chức trách nước Ý cũng như ở các nước châu Âu khác, nhận thức được rằng việc đóng nhà máy hoàn toàn không chỉ là vấn đề của nước Ý,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times.

“Nó sẽ tác động tới tất cả mọi người, cuối cùng là công việc kinh doanh của chúng ta, thực sự là như vậy. Tôi nghĩ phần lớn các doanh nghiệp trên thế giới ngày nay đều cùng nằm trong một hệ thống sinh thái phụ thuộc lẫn nhau. Nếu một phần trong hệ thống đó bị đóng, mặc nhiên nó sẽ tác động lên các phần khác.”

Trong một tuyên bố công khai hôm 24/2, công ty của ông Falchetti đã đề nghị nhà cầm quyền Ý cho phép họ hoạt động trở lại với điều kiện chỉ sử dụng 1/10 trong số 600 công nhân. Nếu không, MTA cảnh báo họ sẽ không có khả năng cung cấp các linh kiện quan trọng cho các khách hàng, và việc này sẽ khiến nhiều nhà máy ô tô nổi tiếng khắp châu Âu như Renault, BMW, Peugeot và Jaguar Land Rover… đối mặt nguy cơ ngừng sản xuất.

Vì sao dịch viêm phổi do virus corona lan nhanh tại Nhật, Hàn, và Ý?

Khủng hoảng ở Codogno không chỉ là khủng hoảng của riêng vùng Lombardy mà của cả nước Ý, nơi có nền kinh tế vốn đã đình trệ với mức nợ công và nợ xấu ngân hàng đáng báo động.

Là một trong 19 nước chia sẻ đồng tiền chung châu Âu, nước Ý phải tuân theo những luật lệ chi tiêu công khắt khe. Điều này đã hạn chế thêm cơ hội tăng trưởng và buộc các công ty của Ý phải phụ thuộc vào thương mại. Ý đã bán lượng hàng hoá và dịch vụ ra nước ngoài trị giá khoảng 550 tỷ đôla trong năm 2018, theo Ngân hàng Thế giới.

“Chính sách kinh tế của Ý khiến thị trường trong nước không phát triển,” ông Servaas Storm, nhà kinh tế thuộc Đại học Công nghệ Delft tại Hà Lan nói. “Vì thế các công ty muốn phát triển phải thực hiện thông qua xuất khẩu.”

Theo ông Nicola Borri, giáo sư môn Tài chính tại Đại học Luiss ở Roma, những vùng có dịch corona nghiêm trọng nhất ở Ý, gồm Codogno và vùng phụ cận Lombardy, cũng như các khu vực xung quanh Piedmont và Veneto chiếm gần một phần ba đóng góp vào nền kinh tế của cả nước.

“Đó thực sự là trung tâm công nghiệp của nước Ý. Có hàng ngàn các công ty lớn nhỏ đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu tại đây. Khu vực này rất năng động về kinh tế, ngang ngửa với phần lớn các khu vực phát triển nhất của Đức. Hai khu vực cũng rất liên kết với nhau,” ông Nicola Borri nói với New York Times.

Hơn 12% hàng xuất khẩu của Ý được bán ở Đức, nhiều trong số đó phụ tùng, linh kiện ô tô. Nếu các nhà máy của nước Ý gặp khó khăn trong sản xuất, điều này có thể khiến các nhà máy ở Đức và khắp châu Âu ngưng trệ do thiếu hụt linh kiện.

Tính liên kết giữa các nền kinh tế trong khu vực cũng là nhân tố khiến dịch bệnh bùng phát trở thành một điều nguy hiểm tiềm tàng đối với nền kinh tế của cả châu Âu.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu ghi nhận các đơn hàng tại các nhà máy sụt giảm rõ rệt, trong khi ngành công nghiệp ô tô đang phải vật lộn với các tiêu chuẩn hiệu suất nhiên liệu tăng cao và khủng hoảng tại Trung Quốc.

Các nhà máy của Trung Quốc mua lượng lớn các chế phẩm hoá dầu và máy móc từ các nhà cung cấp Đức. Chiến tranh thương mại giữa chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc đã làm ngành xuất khẩu của Đức suy giảm do tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc bị chậm lại. Dịch corona còn làm trầm trọng thêm xu hướng này khi các công nhân Trung Quốc phải cách ly trong nhà.

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu đang cũng khiến các nguồn đầu tư vào lục địa này có xu hướng giảm khi các công ty đa quốc gia còn phải chờ xem xét tình hình hậu Brexit.  

Lê Vy (t/h)

Xem thêm: