Trước hàng loạt các vụ việc khách hàng bị mất tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank trong thời gian dài vẫn chưa được ngân hàng tiến hành hoàn trả lại tiền. Nhiều câu hỏi lớn vẫn đang chờ Eximbank trong ngày Đại hội Cổ đông.

ĐHCĐ Eximbank, Eximbank
ĐHCĐ Eximbank năm 2018 ngày 27/4. (Ảnh: ĐTCK)

Hôm nay (27/4), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiến hành Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2018.

Trong sáng nay, ĐHCĐ Eximbank đã chất vấn về mức độ thiệt hại, trách nhiệm của HĐQT và Ban Tổng Giám đốc Eximbank liên quan đến hàng loạt các vụ mất tiền gửi tiết kiệm của khách hàng xảy ra gần đây tại Eximbank.

Đại diện Ban kiểm soát ngân hàng này thừa nhận trước ĐHCĐ rằng đây là “bài học xương máu cho Eximbank”.

Hiện có 3 vụ việc phía khách hàng yêu cầu Eximbank hoàn lại tiền bao gồm:

  • Nhóm 6 khách hàng bị mất 50 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank Đô Lương (Nghệ An) và Eximbank chi nhánh TP. Vinh.
  • Bà Bùi Tố Loan bị mất 3 lượng vàng gửi tại Eximbank Hà Nội.
  • Bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng tiền gửi tại Eximbank TP.HCM.

Eximbank bất nhất?

Trong cả 3 vụ việc trên, Eximbank vẫn chưa tiến hành hoàn trả lại tiền cho khách hàng và liên tục nói “chờ phán quyết của tòa án rồi mới quyết định có hoàn trả lại tiền cho khách hàng hay không”.

Tuy nhiên, khi gần đến hạn phiên tòa xét xử vụ án nữ nhân viên ngân hàng này, bà Nguyễn Thị Lam chiếm đoạt 50 tỷ đồng vào ngày 26/4, Tổng Giám đốc Eximbank lại xin hoãn phiên tòa xét xử với lý do ngày xét xử quá cận ngày ĐHCĐ (27/4).

Ông Nguyễn Tiến Nam, một trong 6 khách hàng bị mất tiền không đồng ý với việc hoãn phiên xét xử và cho rằng lý do mà Eximbank đưa ra là không chính đáng. Theo ông Nam, người được Eximbank ủy quyền tham gia phiên xét xử là Giám đốc Eximbank chi nhánh Nghệ An không thuộc thành viên HĐQT Eximbank, do đó phiên tòa là không ảnh hưởng đến ĐHCĐ.

>> Vụ khách hàng mất 245 tỷ đồng: Eximbank nói chờ phán quyết của tòa liệu có thỏa đáng?

Trong tình cảnh tương tự, bà Chu Thị Huyền – người bị mất 245 tỷ đồng tiền gửi tại Eximbank cũng bị ngân hàng này khất lần, kéo dài thời hạn giải quyết.

Cụ thể, sau nhiều buổi làm việc trực tiếp giữa bà Bình với Ban lãnh đạo Eximbank, ngày 16/4, hai bên đi đến thống nhất đến ngày 21/4 sẽ chốt phương án giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, Eximbank liên tục tìm nhiều lý do khác nhau để kéo lùi thời hạn.

Trong vụ khiếu nại khác, sau khi nhiều lần làm đơn khiếu nại lên Eximbank nhưng liên tục bị ngân hàng này thoái thác và đổ lỗi trách nhiệm về phía khách hàng, bà Bùi Tố Loan vừa có đơn đề nghị Cơ quan Thanh tra vào cuộc để xác minh vụ việc bà bị mất 3 lượng vàng gửi tại Eximbank.

Tổng số tiền thiệt hại của cả 3 vụ trên chưa đến 300 tỷ đồng, chỉ chiếm chưa đến 30% lợi nhuận trước thuế của Eximbank trong năm 2017 (gần 1.018 tỷ đồng), nhưng cách xử lý thiếu chuyên nghiệp và đùn đẩy trách nhiệm đã khiến Eximbank thiệt hại hơn gấp 10 lần con số nói trên.

Trong diễn biến phiên ĐHCĐ sáng nay (27/4), nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á Bank – bà Lương Thị Cẩm Tú được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank.

Những phát ngôn thiếu trách nhiệm của Ban lãnh đạo Eximbank đã đẩy giá cổ phiếu ngân hàng này đâm đầu lao dốc mạnh:

Nói về các nhân viên ngân hàng Eximbank vừa bị bắt hôm 26/3, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT, luật sư trưởng của Eximbank cho rằng: “Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất mà vướng vào vòng lao lý không đáng có”.

Đầu tháng 3/2018, trong một phát ngôn liên quan đến vụ bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng tại Eximbank, ông Tùng cũng đưa ra nghi vấn: “có sự hợp tác và thông đồng với khách hàng”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Eximbank – ông Lê Văn Quyết thì liên tục bảo vệ quan điểm ngân hàng chỉ trả lại tiền cho bà Bình sau khi có phán quyết của tòa án”.

Tú Mỹ

Xem thêm: