Tỉnh Kiên Giang vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội đề án thành lập Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Phú Quốc (đặc khu) với nhiều đề xuất, trong đó đáng chú ý là hàng loạt các đề xuất về tài chính, tiền tệ.

phu quoc 2
Đến nay, Phú Quốc đã thu hút hơn 220 dự án đầu tư phát triển du lịch. (Ảnh: Minh Minh)

Trong đề án thành lập Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Phú Quốc gửi tới Quốc hội, tỉnh Kiên Giang cho rằng Phú Quốc hội tụ nhiều thuận lợi và tiềm năng để xây dựng, phát triển mô hình đặc khu. Nơi đây sở hữu những ưu thế về du lịch sinh thái, biển đảo, với lợi thế đặc biệt về dự trữ sinh quyển, có vị trí chiến lược trọng điểm, đủ tách biệt để thử nghiệm các chính sách mới ưu việt nhưng vẫn dễ dàng giao thương, tiếp cận với khu vực và thế giới.

Đặc khu Phú Quốc có diện tích hơn 57.532 ha, gồm 9 khu hành chính với tổng vốn đầu tư đến năm 2030 là 890.867 tỉ đồng.

Hàng loạt các chính sách ưu đãi về tài chính, tiền tệ

Đối với chính sách tài chính, tiền tệ, ngân hàng, tỉnh Kiên Giang đề xuất thành lập Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Quốc thực hiện chức năng quản lý tiền tệ, giám sát hoạt động ngân  hàng và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ủy quyền xác nhận đăng ký các khoản giao dịch vốn cho người cư trú và người không cư trú theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối tại đặc khu.

Đặc biệt, tỉnh đề xuất việc cho phép đồng USD được lưu hành tự do trong đặc khu cùng với tiền đồng Việt Nam, các đồng tiền khác được phép chuyển đổi tự do sang USD.

Kiên Giang cũng đề xuất việc phát triển các định chế, tổ chức ngân hàng, tài chính và thị trường chứng khoán, công ty bảo hiểm tại đặc khu Phú Quốc; có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào ngân hàng, thành lập các ngân hàng đầu tư, thương mại tại đặc khu Phú Quốc.

Đề án cũng đề cập đến việc cho phép mở sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán tại đặc khu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn; đề xuất cho phép người chơi bài tại casino Phú Quốc được phép mang số tiền thắng bài ra nước ngoài hoặc ra khỏi đặc khu sau khi nộp các khoản thuế theo quy định và khai báo Hải quan (có xác nhận của người quản lý casino về số tiền thắng) mà không cần giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong đề án, tỉnh Kiên Giang đề nghị cho phép các bên có liên quan trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài ký kết tại đặc khu Phú Quốc được lựa chọn bất kỳ hệ thống luật pháp của nước ngoài để giải quyết tranh chấp; trong trường hợp khi có tranh chấp xảy ra nhưng trong hợp đồng kinh tế không quy định cụ thể thì áp dụng luật pháp Việt Nam để giải quyết.

Người nước ngoài tự do mua bán nhà ở trong đặc khu

Theo đề án, tỉnh Kiên Giang đề xuất cho phép người nước ngoài vào làm việc tại đặc khu Phú Quốc (có thời gian hợp đồng từ 3 tháng trở lên) được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà trong đặc khu, bao gồm nhà chung cư, nhà ở có sân vườn hoặc nhà liền kề với thời hạn vĩnh viễn (đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự) hoặc 99 năm đối với nhà chung cư.

Kiên Giang cũng muốn các dự án xây dựng nhà ở tại đặc khu được hưởng mức chính sách ưu đãi đất đai và thuế cao nhất đối với các ngành nghề thuộc ưu đãi đầu tư.

Theo đề án, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn (thuộc nhóm 200 tập đoàn hàng đầu thế giới) đặt trụ sở, chi nhánh tại đặc khu được miễn tiền thuê mặt bằng hoặc tiền thuê đất xây dựng trụ sở; được áp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm.

Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc là một trong ba đặc khu được quy hoạch và thống nhất các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cùng các cơ quan khác của Nhà nước trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, cùng với hai đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).

Ba đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ được xây dựng theo mô hình lựa chọn phát triển thế mạnh riêng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mình.

Trong đó, đặc khu Phú Quốc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế, giáo dục – đào tạo, nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ sinh học.

Theo dự thảo, nhà đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và không còn quốc tịch Việt Nam có dự án đầu tư từ 110 tỷ đồng trở lên, có thời gian cư trú từ 05 năm trở lên tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc và không vi phạm pháp luật sẽ được công nhận và cấp thẻ thường trú tại đây. Dự thảo cũng quy định việc miễn thị thực cho bác sĩ, y tá, bệnh nhân nước ngoài và người nước ngoài tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ y tế tại đặc khu Phú Quốc trong thời hạn 6 tháng; Cho phép khách du lịch sử dụng giấy thông hành do nước láng giềng có chung đường biên giới cấp được nhập cảnh qua cửa khẩu đường biển và đường không tại đặc khu Phú Quốc với thời hạn tạm trú không quá 30 ngày.

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, đến nay Phú Quốc đã thu hút hơn 220 dự án đầu tư phát triển du lịch (chiếm 80% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư trên 222.000 tỷ đồng). Trong số này, có khoảng 170 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 126.645 tỷ đồng, trong đó có 30 dự án đã hoạt động phục vụ du lịch, vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư tại Phú Quốc như: Vin Group, Sun Group, CEO Group, Thai Group,…

Tính đến tháng 9/2017, Phú Quốc đón hơn 2,2 triệu lượt khách (trong tổng số gần 4,9 triệu lượt khách của toàn tỉnh), trong đó khách quốc tế gần 243.000 lượt (tăng 25,1% so với cùng kỳ, doanh thu hơn 2.800 tỷ đồng).

Kiến Huy

Xem thêm: