Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp (Tổng cục Thuế) – ông Nguyễn Văn Phụng nhận định: “Chúng ta đang sống bằng đất, bán đất để ăn và đang ăn hết phần của con cháu trong tương lai.” Do đó, ông Phụng cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung một số Luật thuế.

Nguyen Van Phung
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp – Tổng cục Thuế. (Ảnh: mof.gov.vn)

Phát biểu của ông Phụng được đưa ra tại buổi hội thảo về “Đề xuất về sửa đổi các luật thuế của Bộ Tài chính” diễn ra ngày 9/5 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

‘Chúng ta đang bán đất để ăn’

Nói về mức động viên thu ngân sách, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết mức động viên thuế còn cách xa mục tiêu cải cách thuế đề ra cho giai đoạn phát triển từ 2011 – 2020.

Cụ thể, mức động viên thu ngân sách trong giai đoạn 2011 – 2015 đạt 23,7% GDP, trong đó thu từ thuế chỉ đạt 18,1% GDP, trong khi theo kế hoạch tỷ lệ huy động thuế, phí phải đạt 22 – 23% GDP.

Lý giải về điều này, ông Phụng nói: “Các con số này nói lên rằng mấy năm qua ngân sách đang dựa vào đất rất nhiều. Nếu tính cả nguồn thu từ đất thì mới đạt 23,7% GDP, còn bỏ đất ra thì chỉ được hơn 18% GDP.”

“Điều này nói lên rằng chúng ta đang ‘sống’ bằng đất, bán đất để ăn và đang ăn hết phần của con cháu trong tương lai”, ông Phụng nhìn nhận.

Do đó, đại diện ngành thuế cho rằng trong những năm tới Bộ Tài chính cần sửa đổi, bổ sung một số Luật thuế.

Đề xuất tăng hàng loạt loại thuế

Diễn giải thêm, Giáo sư Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường Kinh tế Quốc dân cho rằng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, Bộ Tài chính đang xem xét lấy ý kiến sửa đổi 6 loại thuế bao gồm: Thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập cá nhân, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Xuất nhập khẩu, thuế Tài nguyên.

Đặc biệt, Bộ Tài chính còn đề xuất đánh Thuế tài sản đối với nhà ở từ 700 triệu và ô tô từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

Một trong những căn cứ để xây dựng và sửa đổi hàng loạt các loại thuế trên được Bộ Tài chính đưa ra là nhằm để “phù hợp với thông lệ quốc tế.”

Tuy nhiên, những căn cứ đó liệu có thuyết phục?

Chuyên gia phản đối

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng Chính phủ có tăng thuế bao nhiêu cũng không thể đảm bảo với tình hình chi tiêu như hiện nay.

Dẫn số liệu chi thường xuyên quý 1/2018 cao ngất ngưỡng với hơn 147.000 tỷ đồng, chiếm đến 88% tổng chi ngân sách, ông Trinh nhận định việc tăng thuế là lựa chọn dễ dàng cho Bộ Tài chính trong khi lại không có lợi cho người dân.

Đồng quan điểm trên, TS. Vũ Sỹ Cường thuộc Học viện Tài chính nêu vấn đề: Bộ Tài chính nói tăng thuế để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, vậy tại sao về chi, Bộ Tài chính lại không công khai minh bạch các khoản chi như các nước để cũng phù hợp với thông lệ quốc tế?

>> Đất Thủ Thiêm: Đền bù 18 triệu sao rao bán đến 350 triệu/m2?

Còn phân tích về khía cạnh hiệu quả kinh tế, chuyên gia Ngô Trí Long e ngại việc sửa đổi cùng lúc 6 loại thuế và thêm cả đề xuất xây dựng Thuế tài sản sẽ khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp cảm thấy môi trường kinh doanh Việt Nam không ổn định.

Đặc biệt, Luật quản lý thuế mới vừa có hiệu lực từ đầu năm 2017 thì nay lại đề xuất sửa đổi. “Dường như nhà đầu tư và người dân luôn phải đánh cược với nhà làm chính sách rằng những kỳ sửa đổi, bổ sung này sẽ tồn tại trong bao lâu”, ông Long nói.

Do đó, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng “thông lệ quốc tế”, “tiến trình hội nhập” hay sự phụ thuộc của ngân sách vào thuế phí đất đai… không nên là lý do mà Bộ Tài chính dựa vào để điều chỉnh tăng hàng loạt loại thuế trong cùng một thời điểm.

Thay vào đó, cần phải công bằng nhìn nhận rằng chính sự chi tiêu ngân sách không hợp lý mới chính là sức ép đang đè nặng lên ngân sách.

Chân Hồ

Xem thêm: