Khoản hỗ trợ 61.580 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) từ nguồn ngân sách trung ương và ngân hàng chính sách xã hội, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 35.880 tỷ đồng (tương đương 1,52 tỷ USD).

viêm phổi vũ hán
Một góc ngã tư đường Tôn Thất Tùng, Hà Nội, trong thời điểm dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan. (Ảnh: J.N)

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2020 vào sáng 1/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Việc hỗ trợ thực hiện theo 4 nguyên tắc: dành cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu; cả người lao động, người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và Nhà nước cùng chia sẻ để bảo đảm mức sống cơ bản tối thiểu, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, phân bổ phù hợp với ngân sách trung ương và địa phương; hỗ trợ đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và người dân, có trách nhiệm giữ người lao động.

Dự kiến các mức hỗ trợ theo nhóm đối tượng như sau:

Người có công với cách mạng: Hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6). Đây là hỗ trợ bên ngoài mức trợ cấp thường xuyên mà nhóm người này đang được hưởng.

Đối tượng bảo trợ xã hội (hộ nghèo, cận nghèo có trong danh sách thống kê tới ngày 31/12/2019): Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6).

Lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, giảm thu nhập: Hỗ trợ 1,8 triệu/người/tháng trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6).

Doanh nghiệp: Người sử dụng lao động được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn vay không quá 12 tháng, mức vay tối đa là 50 % mức lương tối thiểu vùng trên tháng/người để trả lương người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng. Đồng thời, người lao động cũng có trách nhiệm tự lo nguồn để thanh toán nốt số tiền 50 % còn lại cho người lao động.

Các hộ kinh doanh cá thể dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6).

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có cam kết, hợp đồng lao động mất việc làm: Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 (tháng 4, 5, 6).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tổng số tất cả các khoản hỗ trợ của cả ngân sách trung ương và Ngân hàng Chính sách xã hội là 61.580 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,6 tỷ USD). Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng (tương đương 1,52 tỷ USD).

Các trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ thì chỉ được hưởng một chế độ cao nhất.

Chủ tịch UBND các địa phương phải xác định rõ đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, không được gian dối, trục lợi.

Ngoài gói hỗ trợ trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có 2 chính sách khác để hỗ trợ đặc thù cho áp dụng quy trình đơn giản hóa, tạo điều kiện cho người lao động được gửi hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cụ thể, trường hợp bị ảnh hưởng dịch dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia BHXH, người sử dụng lao động và người lao động có đóng BHXH bị nghỉ việc tạm vì COVID-19 được dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng.

Người sử dụng lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm, thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng với mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng.

Tính đến 6h sáng ngày 1/4, Việt Nam công bố 212 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19); 60 ca đã bình phục; 3.215 trường hợp khác nghi ngờ nhiễm bệnh đang được theo dõi, cách ly.

Dịch đã lan ra 24/63 tỉnh thành phố. 5 tỉnh thành phố ghi nhận có số ca mắc cao nhất gồm: Hà Nội (89 ca nhiễm – 27 ca bình phục), TP.HCM (49 ca nhiễm – 15 ca bình phục), Vĩnh Phúc (11 ca nhiễm – 11 ca bình phục), Bình Thuận (9 ca nhiễm – chưa có ca bình phục), Ninh Bình (7 ca nhiễm – chưa có ca bình phục).

Tổng số người tiếp xúc gần, đi về từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, cách ly lên tới 75.085 người, trong đó 36.713 người cách ly tại các khu cách ly tập trung.

Nguyễn Quân