Đó là ý kiến của ĐB Lê Công Nhường (Bình Định).

le cong nhuong
ĐB Lê Công Nhường. (Ảnh: quochoi)

Ngày 13/6, các ĐBQH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Đề xuất huy động đất, vàng trong dân chuyển thành cổ phiếu chứng khoán

Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đánh giá thị trường chứng khoán hiện nay vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân nên việc huy động vốn trong dân, huy động nguồn tiền nhàn rỗi chưa thực sự hiệu quả.

Theo khảo sát của tổ chức Neisen quý II năm 2018, có hơn 70% người dân Việt Nam có xu hướng gửi tiết kiệm, nếu có tiền nhàn rỗi.

Việc sửa đổi Luật Chứng khoán là cần thiết, đưa thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn chung và dài hạn quan trọng, là cơ sở phát triển thị trường vốn chia sẻ với hệ thống ngân hàng” – ĐB Bảo nói.

Còn ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng hiện đất nước đang cần một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển đất nước như đường cao tốc Bắc – Nam, các sân bay, đường sắt cao tốc,… nên Luật cần thiết kế một số điều để huy động nguồn lực, tài sản của người dân thông qua thị trường chứng khoán, nhất là nguồn lực như đất đai, nhà xưởng và tài sản của người dân, đặc biệt là tại nơi triển khai dự án.

ĐB Nhường lấy dẫn chứng mô hình công ty đầu tư nhà nước của Singapore Temasek Holdings có tổng lợi tức cổ đông kể từ lúc thành lập từ năm 1974 đến nay là 15% hàng năm và là “con gà đẻ trứng vàng cho nhà nước Singapore”, từ đó, ĐB này đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định cho phép Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCK) thành lập công ty đầu tư như Temasek của Singapore để huy động nguồn vốn đầu tư và sử dụng cho hiệu quả. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, đòi hỏi đầu tư vốn nhà nước phải đảm bảo tài sản, quy đổi ra trái phiếu và cổ phiếu.

UBCK nên thuộc Bộ Tài chính hay Chính phủ?

Thảo luận về nội dung này, ĐB Hoàng Quang Hàm(Phú Thọ) cho rằng việc chuyển UBCK từ Bộ Tài chính thành cơ quan thuộc Chính phủ là vấn đề cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động.

Theo ĐB Hàm, UBCK là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo thị trường công bằng, hiệu quả và minh bạch, giảm rủi ro hệ thống. Để hoạt động hiệu quả, UBCK phải độc lập trong việc thực thi các chức năng và quyền hạn của mình; có trách nhiệm rõ ràng, đủ thẩm quyền, năng lực để thực hiện nhiệm vụ.

Nhiệm vụ chủ yếu của UBCK là thực hiện các quy định về quản lý chứng khoán, thị trường chứng khoán, phối hợp với các tổ chức liên quan để điều hành, giám sát thị trường chứng khoán; kiểm soát, giám sát các hoạt động trên thị trường như đăng ký, lưu ký chứng khoán; giám sát các công ty niêm yết; phát hiện, xử lý gian lận trong kinh doanh chứng khoán; quản lý, giám sát các tổ chức tự quản; thanh tra các tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật…

ĐB Hàm thông tin thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu giai đoạn 2000-2005, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt mức trên dưới 1% GDP, đến 2018 đạt 71,9% GDP.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, với mô hình như hiện nay, UBCK trong những năm qua hoạt động đã có mức tăng trưởng. Kết thúc năm 2018, quy mô thị trường vốn hóa cổ phiếu đã đạt mức 71,9%, tăng 1.680 lần so với năm 2002.

Số liệu và tình hình của thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, mô hình trực thuộc Bộ Tài chính không gây ách tắc cho sự phát triển, chưa cản trở sự tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán” – ĐB Hàm nói.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng các nghị quyết của Đảng về sắp xếp lại bộ máy đều hướng tới không làm tăng biên chế, tăng đầu mối, tăng chi ngân sách, nên UBCK vẫn thuộc Bộ Tài chính là hợp lý.

Theo ĐB Mai, tờ trình của Chính phủ không đưa ra những bất cập trong bộ máy của UBCK hiện hành. Ngay cả ý kiến cho rằng UBCK nên là cơ quan trực thuộc Chính phủ, thì cũng chưa chỉ ra được đâu là những cản trở khiến cho mô hình tổ chức của UBCK gặp khó khăn trong quản lý, giám sát thị trường.

Xét về kinh nghiệm quốc tế, mô hình tổ chức của UBCK đa dạng, không có công thức cố định nào. Có 48/128 quốc gia đặt UBCK thuộc Bộ Tài chính, có 10 quốc gia biên chế UBCK thuộc cơ cấu tổ chức của ngân hàng trung ương. Do đó, việc duy trì mô hình tổ chức và hoạt động của UBCK trực thuộc Bộ Tài chính hiện nay là tương thích với nhiều quốc gia trên thế giới.

Điều quan trọng để nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường là yếu tố con người có tính chuyên nghiệp, khả năng thực hiện nhiệm vụ, chứ không phải UBCK nằm ở đâu” – ĐB Mai cho hay.

Ngược lại, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) lại đề xuất UBCK cần thuộc Chính phủ vì để giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế…

UBCK nên là cơ quan trực thuộc Chính phủ để đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường trong bối cảnh phát triển ngày càng nhanh, với số lượng doanh nghiệp trên sàn hiện nay là hơn 1.500 công ty. Việc nâng cấp UBCK là cơ quan thuộc Chính phủ là trường hợp cá biệt, thực sự cần thiết” – ĐB Tiến nói.

Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong số 19 ý kiến liên quan đến mô hình tổ chức của UBCK, có 5 ĐB đề xuất UBCK thuộc Chính phủ, có 9 ĐB đồng ý UBCK vẫn là cơ quan thuộc Bộ Tài chính, nhưng đề xuất cần tăng tính độc lập, tăng thẩm quyền cho UBCK.

Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến ĐB Quốc hội, để hoàn thiện dự thảo luật, trên cơ sở đó trình Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian tới” – Bộ trưởng Dũng nói.

Lê Hoàn

Xem thêm: