“Tôi đề nghị tốt nhất chúng ta thanh tra dự án này và từ thanh tra này, chúng ta đi đến kết luận đâu là khách quan, đâu là chủ quan”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói.

truong trong nghia
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đưa bản xin phản biện trong phiên họp ngày 28/5. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 28/5, nhiều đại biểu đã tranh luận về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) bị đội vốn lên 36 lần kéo dài suốt 17 năm gây lãng phí lớn.

Về vấn đề này, đại diện tỉnh Ninh Bình – nơi xảy ra dự án đội vốn “quá sức tưởng tượng”, đại biểu Bùi Văn Phương đưa ra giải thích sở dĩ dự án nạo vét sông Sào Khê của tỉnh bị đội vốn là do điều chỉnh từ một mục tiêu sản xuất nông nghiệp ban đầu thành 4 mục tiêu: phục vụ nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng cho Tràng An được công nhận là di sản thế giới, và các công trình đường thủy phục vụ phát triển du lịch.

“Chính vì yêu cầu đó, dự án được điều chỉnh lại”, ông Phương nói.

Đại biểu Ninh Bình còn cho biết nguồn vốn cho dự án không phải được lấy toàn bộ từ ngân sách, chỉ có khoảng 1.400 tỷ đồng là vốn từ ngân sách Nhà nước, số vốn còn lại được ông Phương cho hay là vốn của các doanh nghiệp và nguồn vốn khác.

Dự án ‘có một không hai’ trên thế giới

Đưa bản xin tranh luận với ông Phương, đại biểu đến từ TP.HCM Trương Trọng Nghĩa cho rằng bên cạnh dự án đội vốn, Ninh Bình cũng là nơi có số nợ đọng lớn – 5.900 tỷ đồng, trong khi số vốn bố trí thì chỉ có 2.000 tỷ đồng, chiếm gần 34% tổng nợ.

“Có nghĩa là phần còn lại trên 65% chưa có phương án bố trí nguồn”, ông nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ trên thế giới này một dự án đầu tư phát triển tăng vốn đến 36 lần như thế thì chúng ta không thể giải thích gì thêm được.”

Vì đầu tư phát triển quan trọng nhất của nó là chất lượng và hiệu quả, ông Nghĩa cho rằng chưa nói đến việc tham nhũng tiêu cực, một khi bị đội vốn và kéo dài thì dự án là không có hiệu quả, tạo gánh nặng lớn lên nền kinh tế.

“Tôi đề nghị tốt nhất chúng ta thanh tra dự án này và từ thanh tra này, chúng ta đi đến kết luận đâu là khách quan, đâu là chủ quan”, ông Nghĩa đề xuất.

>> Chuyên gia: ‘Thuế môi trường 4.000 đồng/lít vẫn là còn quá thấp’

Điều ‘quá sức tưởng tượng’

Tham gia tranh luận còn có đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).

Đại biểu đến từ Hà Nội phải dùng từ “quá sức tưởng tượng” để miêu tả sự nở dần, nở dần của dự án từ 72 tỷ lên đến gần 2.600 tỷ.

“Thế giới khó tìm ra loại bột nở nào làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, mà lại là voi ma mút như vậy. Việt Nam lại có không ít dự án tương tự, toàn là trăm tỷ, nghìn tỷ cả. Tôi lo lắng không biết Chính phủ lấy kinh phí ở đâu bù vào?”, ông Trí bày tỏ lo ngại.

Không đồng tình với phần giải thích của đại biểu đến từ Ninh Bình, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho hay ông muốn nhấn mạnh tới hiện tượng “đầu chuột đuôi voi” khi xin làm dự án đầu tư.

Về con số 1.400 tỷ vốn Nhà nước, ông Trí nói: “1.400 tỷ không nhiều à? Có nở ra nhưng nở gấp 2-3 lần đã là quá đáng, còn nở nhiều như thế này thì nên xin làm một dự án khác.”

“Ngày nay người dân ở Tây Bắc không có cơm ăn, rất khổ; hàng triệu người đang mang gen bệnh, cần 1.000 tỷ là có thể cải thiện được giống nòi nhưng chúng tôi không dám xin và xin cũng không được, vậy sao không thương những người dân của chúng ta ngày nay?”, cựu Giám đốc Viện huyết học truyền máu Trung ương kết thúc phần tranh luận.

Tường Văn (T/h)