Phát biểu trước Quốc hội sáng nay (20/11) về dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển riêng cho TP.HCM, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, cơ hội TP.HCM có cơ chế phát triển đã “chín mõm”, không thể kéo dài hơn được nữa.

Duong trung Quoc
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại phiên họp sáng nay (20/11). (Ảnh: VGP)

“Từ thành phố sầm uất, TP.HCM đang trở nên trầm uất vì những cơ chế ràng buộc”, ông Quốc nhìn nhận.
Tiếp cận vấn đề từ góc nhìn lịch sử, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói: “Không nói đến hàng nghìn năm xa xưa, nền văn minh Óc Eo mà chúng ta tiếp cận được xưa nhất ở vùng đất gắn liền với khu vực TP.HCM và Nam Bộ. Nó đã là nơi từng phát triển mạnh mẽ, từ hơn 3 thế kỷ gần đây, khi vùng đất Nam Bộ được minh định trong bản đồ Đại Việt, đường lối của các chúa Nguyễn đã nhìn ra biển và nhìn về phương Nam, sớm biến Nam Bộ không những thành vựa lúa mà thành trung tâm để thu hút thương mại. Lúc đó Nam Bộ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong khu vực.

Khi người Pháp xâm chiếm Sài Gòn vào năm 1859, việc đầu tiên họ làm là ‘phá thành’ để phát triển Sài Gòn thành trung tâm năng động về kinh tế.

Từ năm 1854, người Pháp đã phát biểu rằng: “Sài Gòn không những có một vị trí chiến lược về mặt quân sự, mà nơi đây còn là kho hàng lớn nhất của Viễn Đông,” thời điểm đó, Singapore chỉ là một xóm chài.

Do đó, ông Quốc cho rằng “tầm nhìn” đóng vai trò hết sức quan trọng.

Năm 1860, cảng Sài Gòn được mở thành cảng tự do và nhanh chóng trở thành trung tâm của khu vực. Năm 1930, đây là cảng đứng thứ 8 trong hệ thống cảng của nước Pháp và hệ thống các nước thuộc địa trên toàn thế giới.
Như vậy rõ ràng tầm nhìn của người Pháp đã nhận ra điều đó, danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” được nhắc đến ngay trong thời kỳ đen tối của thuộc địa.

Theo ông, Nghị quyết không chỉ mở ra cho TP.HCM, mà nó sẽ mang lại một hiệu ứng tích cực về mặt “cơ chế”. Ông tin rằng không cần phải đến 5 năm nếu làm tốt thì những “cơ chế” sẽ được áp dụng ở những nơi khác và là sự hưởng lợi chung của cả nước.

“Sự thành công của TP.HCM sẽ mang lại sự giải thoát, bứt phá mới cho Hà Nội và cho cả nước”, ông nhìn nhận.

Dự thảo Nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được Chính phủ trình Quốc hội ngày 14/11, với nội dung Nghị quyết đề xuất tăng quyền tự quyết cho TP.HCM tại 4 nhóm vấn đề:
  • Quản lý đất đai
  • Quản lý đầu tư
  • Quản lý tài chính-ngân sách nhà nước
  • Cơ chế ủy quyền, thu nhập của cán bộ, công viên chức thuộc thành phố quản lý

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: