Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 3/10, Bộ trưởng Văn phòng chủ nhiệm Chính phủ Mai Tiến Dũng tiết lộ sự kiện ra mắt của Galaxy Note 8 trong tháng 8 vừa qua đã góp phần làm GDP tăng trưởng đột biến.

Samsung Electronics
(ảnh qua zimetro.com)

Sau một năm sóng gió bởi sự cố nổ Galaxy Note 7, Tập đoàn Samsung lại nổi bật với việc ra mắt thành công sản phẩm Galaxy Note 8. Đơn đặt hàng và sản lượng sản xuất tăng cao đột biến, nâng mức hàng tồn kho của các sản phẩm điện tử, máy tính, thiết bị quang học tăng 51% so với mức tồn kho cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu của Samsung năm 2017 ước tính 50 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn bộ Việt Nam.

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào khối doanh nghiệp FDI, đặc biệt là tập đoàn Samsung. Sự thành bại của một chiếc điện thoại có thể khiến cả GDP Việt Nam thay đổi đột biến.

Điều này cũng gợi nhớ tới sự cố Galaxy Note 7 của Samsung năm ngoái đã khiến cho xuất khẩu của Việt Nam những tháng cuối năm 2016 lao dốc.

Dòng vốn đến Việt Nam vừa nhanh vừa bất ngờ

Bê bối chính trị khiến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất, Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong phải ngồi tù 5 năm, khủng hoảng hạt nhân đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên… là những sự kiện chính trị diễn ra dồn dập khiến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc tăng đột biến.

Trong 9 tháng qua, Hàn Quốc soán vị trí thứ nhất trong số 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 6,31 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư. Đầu tư của Hàn Quốc cũng kéo theo 23,3 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, thiết bị vào Việt Nam chỉ trong 9 tháng.

Không chỉ đầu tư trong ngành sản xuất sản phẩm gia dụng, Hàn Quốc còn thiết lập những nhà máy phụ trợ, viên nghiên cứu công nghệ cao tại Việt Nam.

Tháng 9 vừa qua, tập đoàn Hanwha Techwin (Hàn Quốc) cho khởi công nhà máy sản xuất linh kiện động cơ máy bay tại khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc. Nhiều khu đô thị cũng được chủ đầu tư Hàn Quốc tìm kiếm để xây dựng những thành phố Hàn Quốc thu nhỏ với đầy đủ nhà ở, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu,…

Tăng trưởng GDP không đến từ nội lực

GDP (Gross Domestic Product): Tổng sản phẩm quốc nội, là toàn bộ giá trị tăng thêm của các doanh nghiệp (không phân biệt quốc tịch), hộ gia đình và chính phủ diễn ra trên phạm vi một vùng lãnh thổ nào đó. Nó thường được tính trong một kì nào đó của một khu vực nào đó, thường là trong một năm của một nước. Xét về bản chất GDP là chỉ tiêu mang tính địa lý mà không mang tính quốc gia, nghĩa là giá trị kinh tế mà nó phản ánh thực chất không phản ánh sự giàu nghèo của một quốc gia, một dân tộc. Do vậy, một quốc gia có thể có giá trị GDP rất cao mà quốc gia đó không giàu có thực sự, người dân của quốc gia đó vẫn nghèo.

Về tình huống thực tế của Việt Nam, khi lực đẩy tăng trưởng là dòng vốn ngoại FDI, chính phủ cần thận trọng với tính bền vững của tăng trưởng cũng như cân đối thu chi ngân sách. Bởi lẽ, đa phần các dự án FDI được ưu đãi thuế rất lớn, mức độ tăng trưởng GDP chưa chắc đã kéo theo tăng trưởng thu ngân sách tương ứng.

Thực tế, thu ngân sách/GDP đã giảm từ 26,3% giai đoạn (2006-2010) xuống chỉ còn 23,6% trong giai đoạn (2011-2016).

Trong khi tỷ trọng chi ngân sách/GDP của Việt Nam dẫn đầu khu vực trong suốt nhiều năm qua. Năm 2016, tỷ trọng chi ngân sách/GDP của Việt Nam vẫn ở mức trên 28% GDP.

Thâm hụt ngân sách lớn đã khiến nợ công năm 2016 chạm trần 65% GDP. Tỷ lệ này hiện cũng đang ở mức rất cao so với nhóm nước trong khu vực.

Tỷ lệ thu ngân sách/GDP có thể tiếp tục giảm do nhiều ưu đãi thuế. Vậy nên, Chính phủ cần tính toán lại ngưỡng bội chi ngân sách chứ không thể dựa vào tỷ lệ % đã định trước đây.

Dù sao mức tăng trưởng GDP đột biến, dòng vốn nước ngoài đổ dồn vào Việt Nam cũng tạo một lực đẩy nhất định cho nền kinh tế nói chung. Liệu Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này để thay đổi cục diện đất nước? Xác lập chiến lược đối đãi dòng vốn đầu tư là điều mà Chính phủ nên làm lúc này.

Nguyên Hương

Xem thêm: