Gần đây xung đột giữa Iran và Israel nổ ra ở Trung Đông, một lần nữa gây ra nhu cầu phòng ngừa rủi ro trên thị trường vốn, đẩy giá vàng tăng cao trở lại. Hôm 16/4, giá vàng tiếp tục tăng vượt mốc 2.400 USD mỗi ounce, vào cuối phiên giao dịch châu Á vào ngày 18/4, vàng giao ngay tăng mạnh hơn 15 USD và duy trì xu hướng tăng mạnh ở mức 2.376 USD mỗi ounce.

vang mieng
(Ảnh minh họa: Cloudy Design/Shutterstock)

Trang web thông tin tài chính nổi tiếng “Economies.com” đã đưa ra một bài báo phân tích xu hướng vàng trong ngày, cho biết sau ngày 18/4 giá vàng bắt đầu tăng, nguyên nhân chủ yếu là do tín hiệu tích cực của chỉ báo ngẫu nhiên. Điều này cho thấy giá vàng có thể quay trở lại xu hướng tăng. Một khi giá vàng vượt qua mốc 2.400 USD/ounce, mục tiêu tiếp theo sẽ là 2.510 USD/ounce.

Trong suốt lịch sử, mỗi lần giá vàng tăng kỷ lục thường đi kèm với khủng hoảng kinh tế hay xung đột, chiến tranh địa chính trị. Hiện nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở thành “nhân vật chính” của những rủi ro địa chính trị và là động lực lớn nhất dẫn đến sự tăng vọt giá vàng này. Liệu “vàng có tỏa sáng trong đêm giông bão” vào năm 2024 như châm ngôn thị trường hay không đã thu hút sự chú ý.

“Vàng sẽ tỏa sáng trong đêm giông bão” vào năm 2024?

Những lý do khiến giá vàng tiếp tục tăng bao gồm: Lạm phát tiếp tục ở Mỹ, sự chậm trễ liên tục trong việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, việc bán phá giá xe điện của Trung Quốc với giá rẻ có thể gây ra cuộc chiến chống bán phá giá của Mỹ và Liên minh Châu Âu đối với ĐCSTQ, cũng như cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, các cuộc xung đột ở Trung Đông và những căng thẳng địa chính trị như Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất của Mỹ trong tháng Ba tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, không chỉ cao hơn dự đoán của thị trường là 3,4% mà còn cao hơn giá trị 3,2% trước đó, thiết lập mức cao mới kể từ tháng Chín năm ngoái. Khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất vào mùa hè này một lần nữa dấy lên cảnh báo nguy hiểm, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: “Rõ ràng là nó không mang lại cho chúng tôi thêm niềm tin (cắt giảm lãi suất), nhưng nó cho thấy niềm tin vào việc thực hiện có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến”.

Ngoài ra, rủi ro địa chính trị đang đẩy giá vàng lên cao. Tối 13/4, Iran tiến hành cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào Israel. Ngày 19/4, Israel cũng đáp trả Iran một cách kiềm chế. Sự không chắc chắn về tình hình ở Trung Đông cũng thúc đẩy hơn nữa nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn là vàng.

Gần đây, một nhóm các nhà phân tích do ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa Bắc Mỹ của Citibank dẫn đầu, cho biết: “Vàng ‘tỏa sáng như một viên kim cương’. Chúng tôi dự đoán giá vàng sẽ vượt 3.000 USD/ounce trong 6 đến 18 tháng tới, và ‘giá sàn’ của vàng cũng sẽ từ khoảng 1.000 USD đến 2.000 USD một ounce.”

Điều đáng chú ý là trong các xung đột địa chính trị ở nhiều khu vực hiện nay, ĐCSTQ không chỉ là “nhân vật chính” trong căng thẳng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, mà còn là “nhân vật chính đứng sau hậu trường” trong việc hỗ trợ Iran và Nga trong xung đột ở Trung Đông và chiến tranh Nga – Ukraine.

Hạ viện Mỹ hôm thứ Bảy (20/4) đã bỏ phiếu thông qua 3 dự luật viện trợ nước ngoài, theo đó sẽ cấp tiền cho Ukraine, Israel và Đài Loan tổng cộng 95 tỷ USD. Các dự luật này sẽ được gửi tới Thượng viện phê chuẩn và Tổng thống Biden ký thành luật. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm 15/4 nói rằng: “Tôi tin rằng Tập Cận Bình, Putin và Iran là trục của tà ác, và họ đang phối hợp trong vấn đề này”. Ông cũng tin rằng ông Putin sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa cho châu Âu và Ba Lan.

Đây là lần thứ hai các quan chức cấp cao ở Mỹ chính thức chỉ định ĐCSTQ là trục của tà ác. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào tháng Mười năm ngoái, ông Mitch McConnell, lãnh đạo thiểu số của Thượng viện Mỹ (Đảng Cộng hòa), coi Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc), Nga, Triều Tiên và Iran là “trục tà ác mới” trong cuộc chiến giữa Nga với Ukraine, giữa Israel và Hamas, cho đến cả “cạnh tranh của các nước lớn” trong bối cảnh toàn cầu phức tạp.

Đồng thời, Giám đốc CIA William Burns ngày 18/4 cho biết, Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cạnh tranh với ĐCSTQ và nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vượt ra ngoài sự cạnh tranh về ý thức hệ và quân sự giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Ông nói: “Ngày nay với Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, đây là một cuộc cạnh tranh rộng lớn hơn”, phạm vi mở rộng sang không gian mạng và không gian vũ trụ.

Ông Burns giải thích: “Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình đã quyết tâm kiểm soát Đài Loan trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, và điều đó không có nghĩa là ông ấy có kế hoạch xâm lược vào ngày mai, tháng sau hoặc năm tới, nhưng điều đó có nghĩa là chúng tôi phải đối đãi với tham vọng đó một cách hết sức nghiêm túc”.

ĐCSTQ là động lực lớn nhất khiến giá vàng tăng vọt

Bất cứ khi nào có xung đột địa chính trị hoặc khủng hoảng kinh tế, các quỹ quốc tế sẽ đổ xô vào vàng để trú ẩn an toàn. Vào nửa cuối năm ngoái, vàng bắt đầu cho thấy xu hướng tăng bền vững, lần đầu tiên vượt qua mức 2.100 USD/ounce vào ngày 4/12/2023, thiết lập mức giá cao nhất vào thời điểm đó.

Về xu hướng tương lai của thị trường vàng, ông Juan Carlos Artigas, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng vàng thế giới, cho biết tại hội nghị “Diễn đàn đầu tư vàng quốc tế (Thượng Hải) Trung Quốc – Đổi mới 2023” tổ chức tại Thượng Hải vào ngày 5/12 năm ngoái, rằng hơn 70% số Ngân hàng trung ương Trung Quốc được hỏi đã dự đoán dự trữ vàng toàn cầu sẽ tăng trong 12 tháng tới. Lạm phát, rủi ro địa chính trị, rủi ro trừng phạt và tính đa cực của hệ thống tiền dự trữ toàn cầu là những yếu tố chính thúc đẩy hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương. Ông chỉ ra rằng xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm và dự kiến ​​sẽ hỗ trợ thêm cho biểu hiện tốt của vàng trên cơ sở các động lực truyền thống.

Điều đáng chú ý là báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đã chỉ ra rằng trong nửa đầu năm 2023, có 9 ngân hàng trung ương là người mua ròng vàng và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là người mua lớn nhất.

Số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố ngày 7/3 cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2024, dự trữ vàng của Trung Quốc là 72,58 triệu ounce (2257,49 tấn), tăng hàng tháng là 390.000 ounce (12,13 tấn). Đây là tháng thứ 16 liên tiếp Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương)  tăng dự trữ vàng.

Ngoại giới có quan điểm khác nhau về trữ lượng vàng thực sự của Trung Quốc. FX168 Finance dẫn lời nhà phân tích vàng và người sáng lập Flying Frisby, ông Dominic Frisby, nói rằng lượng vàng nắm giữ chính thức được ĐCSTQ tiết lộ khác xa với thực tế. ĐCSTQ đã bí mật mua được một lượng lớn vàng và lượng vàng nắm giữ thực tế của nó đã vượt quá lượng vàng của Mỹ.

Theo báo cáo của WGC, tính đến cuối năm 2023, Mỹ đứng đầu về dự trữ vàng với 8.133 tấn, tiếp theo là Đức, Ý, Pháp và Nga. Trung Quốc mua 215,9 tấn vàng vào năm 2023, đứng thứ sáu với 2.226. tấn trữ lượng.

Ông Frisby giải thích rằng thế kỷ này, Trung Quốc đã sản xuất được khoảng 7.000 tấn vàng. “Hơn 50% hoạt động khai thác vàng ở Trung Quốc là thuộc sở hữu nhà nước và Trung Quốc không xuất khẩu bất kỳ số vàng nào họ sản xuất ra. Vì vậy, tất cả số vàng khai thác ở Trung Quốc đều ở lại Trung Quốc”.

Về phía nhập khẩu, không rõ Trung Quốc nhập bao nhiêu vàng qua Thụy Sĩ, Dubai hay London, nhưng ông Frisby tin rằng thị trường có thể đưa ra một số ước tính. “Một lượng lớn vàng vào Trung Quốc đều thông qua Sàn giao dịch vàng Thượng Hải. Kể từ thế kỷ này, 22.000 tấn vàng đã chảy qua Sàn giao dịch vàng Thượng Hải.”

Ông ước tính Trung Quốc có ít nhất 33.000 tấn vàng, một nửa trong số đó có thể nằm trong tay Chính phủ ĐCSTQ.

“Nếu ĐCSTQ nói với Mỹ rằng chúng tôi nhận được số vàng gấp đôi các bạn, điều đó sẽ tương đương với việc tuyên chiến,” ông Frisby nói. “Nếu căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, ĐCSTQ sẽ vũ khí hóa vàng.”

Liên quan đến xu hướng giá vàng trong tương lai, trang tiếng Trung của Nikkei dẫn lời ông Koichiro Kamei, đại diện Viện Chiến lược Thị trường Nhật Bản, cho biết: “Nếu dòng vốn bắt đầu chảy vào thị trường vàng từ các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tăng chậm, các xu hướng mới sẽ xuất hiện. Nếu bạn mua nhiều hơn, giá vàng sẽ tăng thêm.”

Giá vàng tăng vọt nhiều lần cùng với thời kỳ khó khăn và chiến tranh

Đằng sau sự tăng vọt kỷ lục của giá vàng thường đi kèm với các sự kiện quốc tế lớn; nghiệm chứng cho câu nói “thời loạn mua vàng” về đầu tư phòng ngừa rủi ro.

Năm 1971, Mỹ tuyên bố rằng đồng đô la Mỹ sẽ rời khỏi chế độ bản vị vàng. Đến cuối năm 1971, giá vàng tăng vọt lên 43,48 USD/ounce, tăng 24% so với mức giá 35 USD của hệ thống Bretton Woods. Đây là đợt tăng giá vàng lớn đầu tiên trong thời kỳ hậu chiến.

Sau đó vào năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính Lehman nổ ra ở Mỹ và giá vàng tăng vọt, lần đầu tiên vượt mốc 1.000 USD/ounce.

Năm 2011, Cục Dự trữ Liên bang công bố chính sách lãi suất gần bằng 0 và hai chính sách nới lỏng định lượng liên tiếp, bị cáo buộc đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra mức cao mới cho giá vàng. Đồng thời, vấn đề nợ nần của châu Âu cũng ảnh hưởng đến giá vàng tăng vọt lên mức cao mới 1.925 USD/ounce.

Khi dịch COVID-19 vào cuối năm 2019 và chiến tranh thương mại Trung-Mỹ nổ ra, giá vàng đã đạt mức cao mới trong năm 2020, tăng vọt lên 2.075 USD/ounce.

Chiến tranh Nga – Ukraine vào năm 2022 đã gây ra căng thẳng quân sự giữa Nga và các nước phương Tây, khiến nhu cầu thị trường về nơi trú ẩn an toàn tăng cao và giá vàng một lần nữa vượt mốc 2.000 USD/ounce với tốc độ cao.