Mặc dù còn nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ, nhưng tại đại hội cổ đông bất thường của Công ty CP tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) sáng ngày 6/9/2016, 97% cổ đông tham dự đồng ý thông qua dự án tổ Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Sáng ngày 6/9, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường niên độ tài chính 2015-2016 nhằm thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định cách thức huy động vốn, sử dụng các công cụ nợ để phục vụ cho việc triển khai Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và chủ trương đầu tư nhiều dự án thành phần liên quan.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD. Dự án với công suất 16 triệu tấn/năm đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Tập đoàn Hoa Sen dự kiếntriển khai Dự án theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất mỗi phân kỳ đầu tư dự kiến đạt 1,5 triệu tấn/năm.

Tại đại hội, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen đã giải đáp các thắc mắc của cổ đông xung quanh dự án này trong tương lai. Trong đó, ba vấn đề quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư, phương án công nghệ và rủi ro tác hại đến môi trường khi dự án đi vào vận hành.

Về nguồn vốn đầu tư, trong kế hoạch đầu tư, ở phân kỳ đầu tư I.1 vốn tự có sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư trên 11 nghìn tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD), tương ứng 2.500 tỷ đồng; còn lại 82% sẽ là vốn vay ngắn hạn và trung hạn (tương đương với 9.000 tỷ đồng). Ông Vũ cho biết sẽ không phát hành cổ phiếu mới mà thu hút nguồn vốn tài trợ từ phát hành trái phiếu và vay nợ ngân hàng. Ông khẳng định rằng 500 triệu USD đầu tư cho phân kỳ I.1 đã được Ngân hàng Vietinbank ký thoả thuận cam kết tài trợ vốn dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Về công nghệ, ông Lê Phước Vũ cho biết sau khi đại hội cổ đông thông qua việc triển khai dự án, HSG sẽ ký hợp đồng tư vấn độc lập với Công ty Global Metal Consulting (GMC) của Mỹ với chi phí hàng triệu USD. Việc lựa chọn công nghệ nào để thực hiện dự án thì ông Lê Phước Vũ cho biết sẽ trả lời cổ đông sau. “Tuy nhiên hiện nay các tổ hợp thép của Ấn Độ, Brasil, Mỹ, Mexico… đều có xưởng chế tạo tại Trung Quốc nên chúng ta có mua của Châu Âu hay Mỹ thì cũng từ Trung Quốc mà ra, 90% là như thế!” – ông Vũ cho biết.

“Làm sản xuất công nghiệp là sẽ có ô nhiễm và có khí thải, nước thải, chất thải. Ai nói không có là nói xạo nhưng với công nghệ hiện đại sẽ xử lý được. Tôi cam kết Hoa Sen không sử dụng công nghệ như Formosa nên sẽ không xảy ra sự cố môi trường. Công nghệ luyện cốc của Hoa Sen là cốc khô và theo kế hoạch thì trong 1,5 triệu tấn đầu tiên thì cũng chưa đầu tư luyện cốc mà sẽ nhập khẩu. Khi các cộng đoạn khác đã hoạt động tốt mới đầu tư luyện cốc bằng và sẽ mời chuyên gia từ Mỹ, châu Âu giám sát”, ông Vũ cam đoan với cổ đông.

Về vấn đề cấp nước cho dự án, ông Lê Phước Vũ cho rằng nhiều nhà máy thép trên thế giới hiện nay đều sử dụng nước lọc từ biển để sản xuất. Tại Việt Nam hiện có dự án của tập đoàn Doosan Hàn Quốc ở Dung Quất chuyên sản xuất thiết bị lọc nước biển xuất khẩu sang Trung Đông. Ninh Thuận cũng đã cam kết cung cấp nước cho dự án và hiện đường nước đã được kéo đến dự án.

Sau khi nghe trình bày, 97% cổ đông tham dự đồng ý thông qua dự án tổ Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Như vậy, về mặt chủ trương, Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận đã hội tụ khá đủ các yếu tố cần thiết: Cam kết ưu đãi của tỉnh Ninh Thuận, Phê duyệt quy hoạch của Bộ Công Thương, Sự đảm bảo vốn của VietinBank và có sự đồng lòng, quyết tâm của các cổ đông HSG!

Vẫn còn những lo ngại

Tuy nhiên, trước thực tế thế giới đang dư cung thép, Việt Nam và nhiều nước trong khu vực phải áp thuế chống phá giá với mặt hàng này (tức là giá thép nhập khẩu thấp), dấy lên lo ngại về khả năng cạnh tranh của thép HSG trên thị trường trong nước và quốc tế. Lo ngại này rất đáng quan tâm khi 82% vốn đầu tư của dự án là từ nguồn phát hành TPDN và vay ngân hàng, cấu trúc tài chính này sẽ khiến chi phí giá thành tăng cao, rủi ro tài chính của dự án lớn, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất khu vực ngân hàng khó giảm thêm, ít nhất trong ngắn và trung hạn. Mặt khác, xử lý chất thải trong sản xuất thép để đạt mức an toàn về môi trường, dù với công nghệ nào, cũng khiến giá thành của thép HSG khó lòng cạnh tranh với thép Trung Quốc – thủ phạm gây dư cung thép toàn cầu, được sản xuất bởi công nghệ lạc hậu và chi phí xử lý chất thải bảo vệ môi trường là rất thấp.

Thêm vào đó, cho tới nay, dù chưa chính thức xác nhận về công nghệ sẽ sử dụng cho dự án, nhưng các bước chuẩn bị và thông điệp mà Chủ tịch HĐQT của HSG đưa ra khá rõ là thiên về công nghệ sản xuất thép Trung Quốc. Việc HSG từng cùng CISDI Group, với vai trò là đơn vị tư vấn thiết kế cho dự án, khảo sát địa điểm xây dựng tổ hợp dự án (theo Công văn số 363/CV/HSG/2015 ngày 25/6/2015 của HSG gửi UBND tỉnh Ninh Thuận), khiến dư luận lo ngại hơn nữa về một Formosa thứ hai. CISDI Group là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tổng thầu các dự án xây dựng nhà máy luyện gang thép… có trụ sở ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Đây cũng chính là Tập đoàn đã tư vấn thiết kế và là nhà thầu xây dựng những hạng mục quan trọng tại Formosa Hà Tĩnh. Máy móc thiết bị, công nghệ của dự án này đều đến từ Trung Quốc.

Nguyên Hương – Tâm Như 

Xem thêm: