“Trong số 10 mặt hàng chính thì Việt Nam xếp vào nhóm cuối cùng, thấp nhất trong khối”, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ lo ngại.

det may
Hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh thấp nhất trong các quốc gia CPTPP. (Ảnh: Shutterstock)

Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về vấn đề phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tại nghị trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng CPTPP với 11 nước thành viên sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô gần 500 triệu dân, chiếm khoảng 13,5% tổng GDP toàn cầu.

Việc tham gia Hiệp định, theo đại biểu này sẽ góp phần làm tăng GDP của các nước thành viên và tăng phúc lợi toàn cầu. Tuy nhiên, ông cũng không phủ nhận thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ là rất lớn khi hàng hóa doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập thị trường nội địa.

Hơn nữa, khả năng thích nghi của các doanh nghiệp Việt với nền kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại ngay tại sân nhà cũng vì thế mà tăng cao, ông Bình lo ngại.

hoang van cuong
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Hà Nội. (Ảnh: quochoi.vn)

Nhìn thẳng vào thực tế sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết “trong số 10 mặt hàng chính thì Việt Nam xếp vào nhóm cuối cùng, thấp nhất trong khối các nước thành viên CPTPP.”

Theo đại biểu Cường, mặt hàng thịt các loại của Việt Nam xếp rất thấp về khả năng cạnh tranh so với hàng hóa các quốc gia khác. Bên cạnh đó, các mặt hàng kém cạnh tranh, đứng gần như đội sổ có thể kể đến như: mỹ phẩm thứ 11/11; văn phòng phẩm thứ 9; phim ảnh thứ 9; điện, điện tử, vi tính đứng thứ 7…

Trong khi các mặt hàng mà Việt Nam được đánh giá là có lợi thế nhất – dệt may, da giày, đồ gỗ – thì cũng chỉ xếp thứ 3/11 nước.

Bên cạnh đó, đại biểu Cường cho biết trong Hiệp định CPTPP có một điều kiện về quy tắc xuất xứ hàng hóa mang hàm lượng giá trị khu vực.

Điều này đặt ra vấn đề là Việt Nam cần phải có lộ trình nhanh chóng chuyển đổi các nguồn nguyên liệu đang nhập từ các quốc gia bên ngoài CPTPP, để chuyển thành sản xuất nguyên liệu ngay trong nước hoặc nhập của các quốc gia trong khối này. Khi đó hàng hóa Việt Nam mới đảm bảo đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ.

Mặt khác, quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP cũng là cơ hội rất tốt để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên liệu trong nước, tạo nên chuỗi giá trị khép kín cho sản xuất nội địa, giảm gia công – ông Cường đánh giá.

Vu Tien Loc
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI. (Ảnh: Quochoi)

Về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Lộc cho rằng cần thiết có phương án hỗ trợ các đối tượng chịu tác động bất lợi từ CPTPP, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa – vốn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

 “Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhìn nhận bài học từ 10 hiệp định tự do thương mại (FTA) trước đây đã không thực sự đạt được lợi ích như mong đợi, ông Lộc cho rằng việc tham gia Hiệp định CPTPP lần này yêu cầu cả chính quyền lẫn doanh nghiệp phải cố gắng và nâng cao năng lực nhiều hơn nữa – đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh Việt Nam chỉ được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 69/190 quốc gia và xếp cuối cùng trong số các nước tham gia CPTPP.

“Khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đang tăng lên trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều này. Con đường cải cách do vậy còn dài”, ông Lộc nhìn nhận.

Tường Văn

Xem thêm: