Sau nhiều nỗ lực đàm phán kiên trì, rạng sáng nay, CPTPP đã chính thức được ký kết. Điều này có nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?

Embed from Getty Images

Vào ngày 8/3 (khoảng 1h rạng sáng 9/3 theo giờ Việt Nam), tại Thủ đô Santiago (Chile), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được đại diện 11 nước thành viên chắp bút ký. Đây là sự kiện được mong đợi của các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là trong tình huống tưởng chừng như Hiệp định đã đi đến điểm bế tắc do Mỹ bất ngờ rút lui vào năm ngoái.

Theo giới chuyên gia nhận định, Việt Nam được mong đợi là một trong những nước hưởng lợi lớn từ CPTPP, đặc biệt là ngành dệt may với ưu thế về nhân công giá rẻ.

Thỏa thuận này cũng sẽ loại bỏ hơn 98% hàng rào thuế quan cho 11 nước thành viên trong khối bao gồm: Nhật Bản, Úc, Canada, Chile, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Các điều khoản sẽ bắt đầu có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm ký kết.

>> Ngày 8/3: CPTPP chính thức được ký kết – Vẫn còn đó nhiều nghi ngại

Ban đầu, phiên bản thỏa thuận gốc TPP được khởi động vào năm 2015 và ký kết trong năm 2016 được cho là sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với gần 800 triệu người và chiếm khoảng 40% sản lượng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, các thành viên còn lại của CPTPP sẽ đại diện cho gần 500 triệu người và hơn 13% thương mại toàn cầu. Theo số liệu trích dẫn của Nikkei, CPTPP vẫn giữ vị trí là khối tự do thương mại lớn thứ 3 toàn cầu, chỉ sau Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù vậy, trong ngày diễn ra buổi lễ ký kết, nhiều nhà phê bình ở các quốc gia khác nhau từ Canada, Chile cho đến New Zealand và Úc đều lên tiếng phản đối Hiệp định này. Hội đồng Công đoàn Úc gọi CPTPP là “một hợp đồng bất công cho người Úc”, trong khi cựu nhà lập pháp New Zealand Barry Coates lập luận rằng “TPP-11 sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến các khía cạnh về nhân quyền của chúng ta” và đe dọa chủ quyền quốc gia.

Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng lên tiếng chỉ trích về thỏa thuận thương mại TPP và tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận. Ông cho rằng nó như một phương tiện cho những nhóm lợi ích “bắt nạt” các nhà sản xuất và nông dân Mỹ.

Việt Nam được gì – mất gì với CPTPP?

Có mối quan tâm về việc CPTPP đi vào hiệu lực sẽ có tác động như thế nào đến cuộc sống người dân và nền kinh tế Việt Nam, liệu thật sự nó sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực như được hứa hẹn?

Đối với CPTPP hay với bất cứ một thỏa thuận thương mại tự do lớn nào khác, nó là một con dao hai lưỡi. Nếu nội lực của một nền kinh tế mạnh, có nền sản xuất và dịch vụ đa dạng với hiệu suất cao, sản phẩm làm ra cần được mở rộng thị trường hơn nữa để xuất khẩu thì CPTPP là một bước “cất cánh” cho nền kinh tế quốc gia đó. Trong tình huống này là Nhật Bản – quốc gia đang muốn tái thiết mạnh mẽ nền kinh tế với chiến dịch “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe.

Có cơ sở để Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Malaysia Male Datuk Seri Mustapa Mohamed lo ngại rằng CPTPP sẽ làm xấu đi điều kiện lao động của người lao động ở các nước thành viên do cạnh tranh về việc làm. Ông thừa nhận nền công nghiệp sản xuất ô tô của Malaysia sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt đến từ các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, đặt công nhân làm việc tại các nhà máy ở Malaysia vào nguy cơ mất việc.

>> Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm thuế về 0% – Khó chồng thêm khó cho doanh nghiệp Việt

Do đó, trong một sân chơi phẳng với các hàng rào thuế quan đều được gỡ bỏ như CPTPP, thì một nền kinh tế không có nội lực, thiếu bản sắc và hầu hết mọi thứ đều phải nhập bên ngoài sẽ đối mặt nguy cơ bị “nhận chìm” trong dòng xoáy của hội nhập.

Điều này đặc biệt đúng đối với Việt Nam, khi nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào khối FDI – chiếm hơn 72% tổng lượng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2017. Trong khi đó, khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục làm ăn thua lỗ, lãng phí; các doanh nghiệp tư nhân èo uột và bị bủa vây bởi nhiều loại thuế phí, giấy phép con…

Tại phiên thảo luận Kết quả thực hiện và Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2018 – 2021, tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Hồ Đức Phớc cho biết đến thời điểm tháng 10/2017, không phải chỉ có 12 dự án nhà nước yếu kém, thua lỗ mà con số đã là hơn 40 dự án.

Với việc kinh doanh không hiệu quả, tổng số nợ mà các DNNN phải trả đã lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng, theo báo cáo Tình hình tài chính của DNNN (Bộ Tài chính) trong năm 2017.

Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là doanh nghiệp làm ra 10 đồng thì nộp thuế hết gần 4 đồng. Thâm chí có những ngành mà doanh nghiệp phải chịu từ 12 – 15 loại thuế và phí khác nhau, theo đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn.

Đối với các doanh nghiệp trong nước, việc duy trì được hoạt động đã là điều không hề dễ dàng, chưa nói đến chuyện cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Khoảng cách giữa nói và làm

Embed from Getty Images

Trong những ngày qua, Bộ Công thương phát đi thông điệp kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế của CPTPP bởi những lợi ích mà họ cho rằng Hiệp định này có thể mang lại như: mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trong khối, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài sẽ gia tăng, nhu cầu lao động lớn, tiếp thu được kỹ thuật công nghệ tiên tiến từ các nước…

Tuy nhiên, trước khi bàn đến việc tận dụng các cơ hội trên, Việt Nam cần nhìn nhận lại thực tế chúng ta đang ở đâu và bên cạnh những cơ hội thì rủi ro tiềm tàng sẽ là gì?

Về mặt điều hành chính sách, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải gánh chịu hàng loạt áp lực đến từ chính sách như việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12% từ đầu năm 2019; hay như đề xuất tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có đề xuất việc đánh thuế lãi vay của doanh nghiệp; đề xuất tăng thuế môi trường trên xăng dầu lên kịch trần 4.000 đồng/lít… Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ không thể giảm mà còn phải tăng lên; khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp bị hạn chế.

Đó là một “cuộc chiến không cân sức” dành cho các doanh nghiệp trong nước khi họ đang phải gánh chịu áp lực kép đến từ các đối thủ bên ngoài lẫn các chính sách từ bên trong. Do đó, thay vì đưa ra những kêu gọi “sáo rỗng”, không có nhiều ý nghĩa về thực tiễn, các cơ quan quản lý cần hiện thực hóa vai trò hỗ trợ cho các đầu tàu nền kinh tế – khối doanh nghiệp tư nhân, bằng cách cởi trói các ràng buộc, tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thông thoáng cho họ có thể hoạt động hiệu quả… rồi sau đó hãy bàn đến việc tận dụng lợi thế này khác của CPTPP.

Ngoài ra, cùng với quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nội đang được đẩy mạnh trong năm qua và năm 2018, các thương hiệu Việt cũng dần rơi vào tay người nước ngoài, mới đây nhất là thương vụ mua lại Sabeco của tỷ phú người Thái Charoen, hay như việc gia tăng cổ phần trong Vinamilk , thâu tóm Nhựa Bình Minh của Tập đoàn SCG Thái Lan….

Đáng chú ý, Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) với hàng trăm dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc được cắt giảm về 0% trong năm nay sẽ khiến hàng hóa Việt Nam vốn đang rất khó cạnh tranh được với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, Thái Lan lại càng khó chồng thêm khó. Việc hàng Việt thất thế ngay trên sân nhà không còn dừng ở nguy cơ nữa mà đã trở thành một thực tế hiện hữu.

Với CPTPP, quá trình đó thậm chí còn có thể được thúc đẩy nhanh hơn. Chúng ta không xuất khẩu được nhiều sang các nước trong khi buộc phải mở rộng cửa cho hàng ngoại tự do xâm nhập vào. Và một khi thị trường bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp ngoại, việc người Việt trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình là điều không thể tránh khỏi.

Ví như một đứa trẻ học tiểu học đang cố gắng giải bài toán của đại học, thì dù nỗ lực đến mấy, kết quả sẽ là điều khó thay đổi được. Có chăng, CPTPP sẽ mang lại dòng vốn FDI và ngoại tệ lớn đổ vào Việt Nam, quyền lợi và tài sản của một nhóm nhỏ siêu giàu theo đó sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, mà như báo cáo mới đây của Knight Frank cho thấy Việt Nam là nước có số lượng người siêu giàu gia tăng nhanh nhất thế giới?

Chân Hồ

Xem thêm: