Công nghệ core-banking lạc hậu khiến Vietcombank không thể hạch toán gần 10 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng, không đánh giá lại kịp thời 2.000 tỷ giá trị tài sản.

Điều này đồng nghĩa với việc người gửi tiền mất đi quyền lợi thích đáng và báo cáo thu nhập (lãi/lỗ) của ngân hàng này không còn đáng tin cậy. Core-banking lạc hậu của ngân hàng khiến quản trị rủi ro yếu kém, khó áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cũng như khiến hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam mất năng lực cạnh tranh khi hội nhập.

(ảnh: Getty)
(ảnh: Getty)

Công nghệ hiệu quả có thể giúp ngân hàng giành 50% cơ hội thành công trên thị trường nhưng các NHTM trong nước không có lợi thế này.

Lợi ích của người gửi tiền ở những ngân hàng có Core-banking hiện đại

Người gửi tiền Việt Nam, hầu hết là người ngoài ngành này, không mấy bận tâm tới cái gọi là core-banking (ngân hàng lõi) cho tới khi các con số sai sót lớn đến “giật mình” được kiểm toán công bố trong trường hợp của Vietcombank. Tuy nhiên, công nghệ core-banking lạc hậu của ngành ngân hàng Việt không chỉ tồn tại ở Vietcombank, nó là thực trạng của hầu hết ngân hàng trong nước.

Core-banking là một hệ thống các phân hệ nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng như tiền gửi, tiền vay, khách hàng… Thông qua đó, ngân hàng phát triển thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm và quản lý nội bộ chặt chẽ, hiệu quả hơn. Về bản chất đây là hệ thống phần mềm tích hợp các ứng dụng tin học trong quản lý thông tin, tài sản, giao dịch, quản trị rủi ro… trong hệ thống ngân hàng.

Về đặc điểm, core banking chính là hạt nhân toàn bộ hệ thống thông tin của một hệ thống ngân hàng. Hầu hết các hệ thống core-banking hiện đại đều hoạt động không ngừng (24×7) để cung cấp Internet banking, những hoạt động giao dịch toàn cầu…thông qua ATM, Internet, điện thoại và debit card.

Những lợi ích mang lại của một core-banking hiện đại biểu hiện trong khai thác sản phẩm, dịch vụ cả về số lượng và chất lượng. Có thể thấy, nhiều phần mềm mới còn chứa tham số rất lớn để mỗi khi ngân hàng muốn phát triển một dịch vụ, sản phẩm sẽ dễ dàng hơn, chỉ cần định nghĩa tham số là có thể tạo sản phẩm mới mà không phải sửa thẳng vào code của chương trình. Hệ thống T24 có thể tự động hóa lịch trình công việc, phục hồi nhanh các yêu cầu của khách hàng, có thể thực hiện tới 1.000 giao dịch/giây, quản trị tới 50 triệu tài khoản khách hàng và hỗ trợ thực hiện giao dịch qua hệ thống 24h/ngày.

Ngoài ra, nhờ có core banking mà việc quản lý nội bộ chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trước đây, khi các ngân hàng chưa có core hiện đại hoặc dùng core lỗi thời, việc quản lý khách hàng rất rải rác và vô cùng bất tiện cho khách hàng. Tiền gửi ở đâu, phải đến đó, không thể rút ở điểm giao dịch khác, mặc dù các điểm này đều trong cùng hệ thống một ngân hàng. Thậm chí khách hàng muốn giao dịch ở bao nhiêu điểm thì phải mở bấy nhiêu tài khoản. Với sự ra đời của core banking hiện đại, khách hàng chỉ cần có một mã duy nhất ở ngân hàng là có thể giao dịch với rất nhiều sản phẩm, và ở bất cứ điểm giao dịch trong cùng hoặc không trong cùng một hệ thống.

Đặc biệt, tiện ích của core banking là có thể quản trị rủi ro tốt hơn như giúp ngân hàng quản trị rủi ro thị trường, quản lý rủi ro tín dụng, thanh khoản và tác nghiệp… với nhiều mức quản lý khác nhau. Bên cạnh đó nhờ sự ưu việt tập trung hóa của Core banking mà có thể nâng cao việc quản lý tài khoản khách hàng và cung cấp dịch vụ khách hàng.

>> Top 10 xu hướng công nghệ chiến lược cho doanh nghiệp năm 2017 (infographic)

Hầu hết các NHTM trong nước đều không đầu tư thích đáng vào core-banking

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Các chuyên gia ngành ngân hàng nhận định công nghệ hiệu quả sẽ giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) giành 50% cơ hội thành công trên thị trường (bên cạnh các yếu tố về quản trị, uy tín…). Tuy nhiên, đầu tư dài hạn vào công nghệ tốn chi phí lớn, đòi hỏi đội ngũ nhân sự phải được đào tạo, có chất lượng để khai thác công nghệ hiệu quả. Trong bối cảnh năng lực tài chính yếu kém, các NHTM chật vật xử lý các vấn đề ngắn hạn như thanh khoản, xử lý nợ xấu… thì vấn đề công nghệ vẫn chưa thể trở thành ưu tiên trong ngắn hạn và trung hạn.

Theo một báo cáo của Ngân hàng nhà nước (NHNN), có ngân hàng ứng dụng công nghệ thông tin ở mức thấp – chi phí khoảng 200 ngàn đến dưới 500 ngàn USD – chủ yếu để giải quyết các nghiệp vụ và giao dịch bình thường. Có ngân hàng ứng dụng công nghệ ở mức độ cao – chi phí trên 5 triệu USD – nhưng vẫn chưa sử dụng hoặc mua được hết các tính năng của core-banking hiện đại. Sự chưa đồng đều còn thể hiện ở việc quản lý dữ liệu và online toàn hệ thống vẫn chưa thực sự được phát triển mạnh.

Bởi những điểm yếu này, phần lớn hệ thống tại ngân hàng Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở mức có sự cố thì khắc phục. Trong khi, yêu cầu quan trọng đối với quản trị hệ thống là phải cảnh báo trước sự cố, khi đó ngân hàng Việt Nam cần có công cụ đánh giá, thống kê thường xuyên. Core banking đòi hỏi đồng bộ cả về mạng, bảo mật và các ứng dụng khác, nhưng hiện nay mới chỉ đồng bộ từng phần, mà chưa đáp ứng nhu cầu quản trị tập trung. Tuy rằng các kiến trúc, mạng lưới chi nhánh, mạng lưới cung cấp dịch vụ, hệ thống mạng diện rộng, mạng cục bộ, core banking, bảo mật nhưng thiếu một thiết kế tổng thể.

Theo Ông Cấn Văn Lực – Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV), đầu tư về công nghệ của NHTM trong nước chỉ khoảng 5% danh mục vốn đầu tư; quá thấp so với các NHTM trong khu vực: mỗi năm, hệ thống ngân hàng châu Á – Thái Bình Dương đầu tư cho CNTT khoảng 7,3 tỷ USD, các ngân hàng trong khu vực như Indonesia khoảng trên 12 tỷ USD…

Công nghệ lạc hậu khiến quản trị rủi ro yếu kém, người gửi tiền gánh hậu quả: hàng tỷ đồng “bốc hơi” khỏi tài khoản khách hàng năm 2016 mà “không rõ” nguyên nhân

(ảnh: Thinkstock)
(ảnh: Thinkstock)

Trong bối cảnh sản phẩm của ngân hàng ngày một đa dạng, phức tạp, để giữ thị trường và đảm bảo lợi nhuận, nhiều NHTM đã áp dụng sản phẩm với số lượng và mức độ phức tạp mà bản thân công nghệ của họ không theo kịp. Bởi vậy, nhiều rủi ro đã phát sinh, chủ yếu là rủi ro về quản trị, an toàn mạng, rủi ro hoạt động (lỗi thẻ, lỗi thiết bị, tham nhũng, làm giả sổ sách…). Thực tế, các lỗ hổng về an toàn mạng, hoạt động của các NHTM ngày một lớn, nhiều sự vụ khiến người gửi tiền chịu tổn thất lớn.

Chỉ riêng năm 2016, liên tiếp xẩy ra các vụ mất tiền trong tài khoản thẻ, tài khoản thanh toán hoặc thậm chí trong sổ tiết kiệm của khách hàng tại một loạt các NHTM trong hệ thống, tổng số tiền khách hàng mất trong tài khoản lên tới nhiều tỷ đồng. Sau mỗi mất mát, các vụ tranh cãi  kéo dài hoặc nguyên nhân được tìm thấy đều “có thể do khách hàng sơ suất”, cuối cùng thiệt hại luôn thuộc về người gửi tiền, vốn không được bảo vệ thích đáng bởi một khuôn khổ pháp lý phù hợp. Thực tế, phần lớn trong đó là lỗ hổng của công nghệ và quản trị (quản trị yếu cũng một phần có nguyên nhân bắt nguồn từ công nghệ lạc hậu).

Nhìn lại việc tiền “bốc hơi” trong tài khoản tại ngân hàng Vietcombank, BIDV, VIB năm 2016 có thể thấy các lỗ hổng an ninh mạng, lỗ hổng công nghệ, rủi ro hoạt động tăng cao trong hệ thống NHTM. Người gửi tiền chịu thiệt hại lớn nhất.

Tháng 8/2016, một nữ khách hàng của Vietcombank phản ánh việc liên tiếp bị trừ tiền trong tài khoản với tổng số tiền lên tới 500 triệu đồng. Vietcombank sau đó phát đi thông báo khẳng định nguyên nhân là do khách hàng truy cập vào một trang web giả mạo qua máy điện thoại cá nhân. Việc truy cập này đã để lộ thông tin và mật khẩu của khách hàng, dẫn đến việc tiền trong tài khoản bị lấy cắp. Các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia. Vietcombank đã xử lý các biện pháp khẩn cấp, kịp thời khoanh giữ lại được 300 triệu đồng. Đây là các giao dịch chuyển khoản sang ngân hàng khác, chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank.

Dù khẳng định lỗi không thuộc về mình nhưng rõ ràng những “lỗ hổng” do công nghệ lạc hậu khiến Vietcombank không thể bảo vệ khách hàng của mình tốt hơn, mất tới 200 triệu đồng trong tài khoản. Hai vụ mất tiền sau đó từ tài khoản Mastercard của khách hàng do chính Ngân hàng này cũng vào tháng 8/2016, khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh  (17 triệu, thẻ Master Card Debit bị quẹt ở Tokyo) và khách hàng ở Đồng Nai (592 đô Singapore, thẻ Mastercard), bản thân Vietcombank chỉ có thể đưa ra nghi hoặc “Có thể khách hàng đã để lộ thông tin khi giao dịch ở đâu đó” (!)

>> Nhiều điều kiện thuận lợi nhưng lãi suất không giảm: Suy giảm niềm tin trong hệ thống ngân hàng?

Tương tự như sự việc xẩy ra với khách hàng của Vietcombank, khách hàng của Agribank cũng mất 100 triệu đồng từ tài khoản ATM chỉ trong 1 đêm. Agribank sau đó hứa hẹn bồi thường cho khách hàng này sau khi hoàn thiện các thủ tục và quy trình thẩm tra cần thiết.

Khác với Vietcombank, vụ mất tiền trong sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng tại BIDV thoạt nhìn không phải do mầu sắc của công nghệ mà là do sự suy thoái đạo đức của nhân viên ngân hàng.  Vụ việc xẩy ra với tình tiết nhân viên ngân hàng đề nghị khách hàng ký khống rất nhiều giấy tờ, sau này các giấy tờ này được làm sang tên đổi chủ sổ tiết kiệm (!). Đành rằng do lỗi do khách hàng quá bất cẩn với tài sản của mình, tin tưởng vào nhân viên ngân hàng, không tuân thủ quy trình, thủ tục cơ bản khi gửi tiền, sang tên sổ tiết kiệm. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, nếu công nghệ core-banking của BIDV đủ tốt, thông báo biến động tài khoản, biến động số dư sổ tiết kiệm, thông báo về đổi tên chủ sở hữu sổ tiết kiệm.. kịp thời tới cả khách hàng và bộ máy quản trị, kiểm soát rủi ro chéo tại BIDV thì sự việc có thể sớm được nhận diện, rủi ro có thể ngăn ngừa chứ không chỉ đến khi nhân viên ngân hàng gọi điện yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm 2 tháng sau đó. Rõ ràng quản trị rủi ro nội bộ của BIDV là hết sức yếu kém.

Xa hơn, việc cho vay bừa bãi và quản trị rủi ro tín dụng lỏng lẻo của các NHTM trong một thời gian dài cũng có một phần nguyên nhân từ hệ thống core-banking lạc hậu

Mặc dù thực trạng công nghệ lạc hậu khiến nhiều NHTM (thậm chí là các NHTM Nhà nước quy mô lớn) không đủ điều kiện để quản trị tốt sản phẩm, khách hàng, tài khoản. Tuy nhiên, trước áp lực doanh số, lợi nhuận và mở rộng thị phần, nhiều NHTM không ngần ngại mở rộng sản phẩm, quy mô; đặc biệt giai đoạn bùng nổ tín dụng 2006-2007 và giai đoạn trước 2010. Không chỉ vậy, nhân sự quản lý không đù kinh nghiệm và trình độ vẫn được đề bạt để trám chỗ trống do phát triển nóng, nhiều nhân sự như vậy được “ủy quyền” quyết định cho vay các khoản tín dụng lên tới cả 100 tỷ.

Khi kiểm soát rủi ro yếu kém, công nghệ lạc hậu khiến thông tin quản trị dễ dàng bị cải biến, chậm chễ, thiếu minh bạch trong khi quyền lực cá nhân quá lớn; lúc này rủi ro đạo đức phát sinh và/hoặc các quyết định đầu tư/cho vay ấu trĩ được áp dụng. Kết quả là, hàng trăm ngàn tỷ tiền huy động từ dân cư được các NHTM hoặc bốc hơi khỏi ngân hàng cùng với các cán bộ của họ hoặc đầu tư vào tài sản độc hại , hiện đang là nợ xấu chưa thể xử lý.

Ngược trở lại, tình trạng tài chính ngày một yếu kém lại trở thành rào cản khiến NHTM khó có thể một lúc đầu tư hàng triệu USD để có một hệ thống core-banking hiện đại. Bên cạnh đó, core-banking hiện đại còn đòi hỏi NHTM có bộ óc tư duy chiến lược,quản trị cấp tiến, có một nguồn nhân lực đủ chất lượng để khai thác và vận hành.

Core-banking lạc hậu còn khiến các NHTM khó áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế trong hạch toán, không nhiều cơ hội cạnh tranh trên thị trường nội địa sau hội nhập

Khi không áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, thông tin quản trị và thông tin tài chính (báo cáo tài chính) thiếu minh bạch và nhiều sai sót. Ví dụ, các sản phẩm chứng khoán đầu tư, hiện các NHTM và Doanh nghiệp vẫn hạch toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS); tức là, biến động giá thị trường của tài sản này không được cập nhật chính xác và đầy đủ vào báo cáo tài chính định kỳ của doanh nghiệp. Kết quả là, giá trị tài sản, vốn, các chỉ số lành mạnh tài chính hoặc báo cáo lãi/lỗ không còn chính xác. Với NHTM, việc không áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế trong phân loại nợ xấu, định giá tài sản đầu tư… khiến nhiều NHTM có tình trạng “lỗ thật lãi giả”.  

Do vậy, áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế là một bước đi quan trọng để minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp, tăng tín nhiệm với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, công nghệ lạc hậu khiến các NHTM nói chung và DN nói riêng trước mắt không thể hạch toán tài sản theo giá thị trường; giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư nói chung.

Dù hệ lụy của công nghệ core-banking lạc hậu là rất nhiều và lớn, nhưng tựu chung lại người gánh chịu rủi ro cuối cùng chính là khách hàng của các NHTM – người gửi tiền.

Tâm Như

Xem thêm: