Tổng nguồn lực ủng hộ cho trận lũ lụt miền Trung vừa qua là một con số không nhỏ. Nếu được tiếp nhận và xử lý đúng cách, nó sẽ là động lực phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương.

hoi-sinh-sau-con-bao-quang-binh-ha-tinh
Người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh trong cơn bão lũ, ngập lụt lịch sử tháng 10/2016.

Nước đã dần rút khỏi những vùng lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh. Nhưng tại nơi đây, hoạt động cứu trợ nhân đạo vẫn nổi cộm nhiều vấn đề.

Sức mạnh của mạng xã hội trong hoạt động cứu trợ nhân đạo

Trận lũ lụt lịch sử tại Quảng Bình, Hà Tĩnh xảy ra đúng thời điểm Hội nghị Trung ương Đảng, trước thềm khai mạc kỳ họp Quốc hội nên thu hút sự quan tâm của nhiều cấp chính quyền. Các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đều thực hiện quyên góp trung bình 1 ngày lương cơ bản/ người lao động.

Trước khi cơ quan nhà nước có hành động cụ thể thì phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung đã lan nhanh trên cộng đồng mạng xã hội. Ngay sau khi những hình ảnh thương cảm về lũ lụt miền Trung được đăng tải, hàng triệu trái tim cộng đồng mạng đã đổ dồn về nơi ảnh hưởng thiên tai. Việc xã lũ của Thủy điện Hố Hô đã gây sốc mạnh tới lòng trắc ẩn của người dân trên cả nước khi phải chứng kiến cảnh hàng ngàn hộ dân vật lộn với dòng nước xả thủy điện bất ngờ dồn dập ào về trong đêm.

>> Mưa lớn, xả lũ hết cỡ, nhiều người chết và tàu trôi ra biển

Chỉ trong vòng chưa đầy 24h sau khi kêu gọi phát động vào ngày 16/10, tài khoản của MC Phan Anh đã gây quỹ được hơn 2 tỷ đồng ủng hộ đồng bào Miền Trung. Số tiền huy động mới cập nhật hiện nay đã vượt trên 20 tỷ đồng. Ngay sau MC Phan Anh, nhiều sao Việt cũng công bố mức ủng hộ tương đối như Hà Hồ (700 triệu), Thủy Tiên – Công Vinh (250 triệu), Trấn Thành (100 triệu), Trường Giang (200 triệu),….

Sau đó, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp,… cũng công bố các con số ủng hộ không nhỏ. Cụ thể như: Tập đoàn Viettel ủng hộ 12 tỷ đồng, Mobifone 3,4 tỷ, Tp. Hồ Chí Minh 23 tỷ, Quảng Ngãi 1,5 tỷ, Đà Nẵng 2,5 tỷ, Formosa 1,2 tỷ, Bảo hiểm Bảo Việt 1 tỷ đồng,…

Như vậy, tổng nguồn lực ủng hộ cho trận lũ lụt này có khả năng là một con số rất lớn. Vậy trách nhiệm của chính quyền và người dân nơi thiệt hại đối với nguồn lực xã hội này như thế nào?

hoi sinh sau con bao quang binh ha tinh
Người dân xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) không kịp di dời tài sản khi mưa lớn kết hợp với thủy điện Hố Hô xả lũ trong đêm. (Ảnh: vnexpress.net)

Chậm trễ trong công tác cứu trợ để người dân ổn định cuộc sống

Số lượng tiền quyên góp ngày càng trở nên lớn trong khi các kế hoạch sử dụng tiền ủng hộ của chính quyền địa phương lại khá mù mờ. Trên website của UBND tỉnh Quảng Bình đăng tải Công văn số 2363/VPUBND về việc rà soát hộ dân thiếu đói do ảnh hưởng mưa lũ. Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là đầu mối tổng hợp báo cáo số liệu từ UBND các huyện, thị xã, thành phố về các hộ gia đình thiếu đói trước ngày 25/10/2016. Như vậy, phải sau nửa tháng sau khi xảy ra thiên tai UBND tỉnh Quảng Bình mới có thể ban hành được các quyết định cứu đói tới các hộ dân.

>> Quảng Bình: 25 người chết và mất tích, gần 92.500 hộ bị ngập

Trong khi Chính quyền còn đang lúng túng với việc rà soát lập danh sách các hộ thuộc diện cứu đói thì MC Phan Anh đã ở tại rốn lũ trao quà cứu trợ và tiền ủng hộ cho người dân. MC Phan Anh phần nào cũng đáp ứng được sự mong mỏi của các nhà hảo tâm, người dân về việc ứng cứu nhanh bà con vùng lũ với tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Chỉ có đầu mối tiếp nhận cứu trợ, chưa hề có kế hoạch sử dụng tiền cứu trợ

Bên cạnh việc chậm trễ, việc tiếp nhận và phân bổ hàng cứu trợ bộc lộ nhiều vấn đề chưa minh bạch. Nhiều nơi chia không công bằng, xảy ra tình huống lúc khó khăn hoạn nạn láng giềng tương trợ nhau, lúc có tiền từ thiện thì lại nảy sinh mâu thuẫn.

Mới đây, theo báo Đời sống Pháp luật đưa tin, chiều ngày 20/10, có một đoàn từ thiện đã trao tiền và quà cho 29 hộ dân thôn Hương Đồng, Quảng Bình. Ngay sau khi nhà từ thiện phát quà cho dân về, trưởng thôn Hương Đồng (xã Đức Hương) đã yêu cầu những người nhận quà phải nộp lại cho thôn.

Tiếp theo, ngày 24/10, tại thôn Trung Thôn (Hà Tĩnh), cán bộ thôn cũng bị dân tố là lấy lại quà từ thiện của các hộ dân. Theo ông Lê Văn Luận, Phó thôn Trung Thôn – người đã thu lại tiền cứu trợ của các hộ dân cho biết tính đến ngày 24/10 đã có 16 đoàn từ thiện từ khắp nơi đến đây trao quà ủng hộ người dân. Ông Luận thừa nhận có việc thu lại của dân mỗi hộ 400 ngàn đồng. Tuy nhiên, ông cho rằng việc làm này với mục đích là vì dân. “Chúng tôi thu lại 400/500 ngàn đồng số tiền cứu trợ là để lấy mặt bằng toàn bộ, sau đó cân bằng mặt hàng rồi lập danh sách chia đều cho dân chứ chúng tôi không bỏ túi riêng”, ông Luận khẳng định. Như vậy, chưa kể hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, thì riêng một hộ tại thôn này đã nhận quà tài trợ tương đương với 8 triệu đồng.

Có thể nói, hoạt động từ thiện tự phát cũng không cách nào vượt khỏi cái khung “tương trợ, nhân ái, lá lành đùm lá rách” để giúp người dân vượt qua những ngày khó khăn trước mắt. Hoạt động phục hồi đời sống kinh tế, xã hội vùng ảnh hưởng thiên tai cần một cái nhìn tổng quan, công tâm và có trách nhiệm từ chính quyền địa phương.

Kinh nghiệm hồi phục kinh tế sau các cuộc thiên tai

Tiền từ thiện là nguồn lực xã hội. Nếu được tiếp nhận và xử lý đúng cách, số tiền ủng hộ sẽ là động lực phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương.

Thực vậy, Sóng Thần Tohoku tại Nhật Bản năm 2011 tiêu hủy mọi thứ dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của quần đảo phía Bắc Nhật Bản, gây thiệt hại hàng chục ngàn sinh mạng và tàn phá toàn bộ các tỉnh trong khu vực bị ảnh hưởng. Cơn chấn động lập tức dội thẳng lên nền kinh tế Nhật Bản khi một loạt các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động và hàng loạt nhà máy buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế lại khẳng định rằng, cuối cùng thì các thảm họa đã cải thiện nền kinh tế của Nhật Bản, với cơ hội việc làm gia tăng dựa trên những nỗ lực phục hồi nền kinh tế.

Điều này cũng đã diễn ra sau trận động đất Kobe 1995, sản lượng công nghiệp giảm 2,6%, nhưng tăng 2,2% vào tháng sau đó, và 1% nữa trong tháng tiếp theo. Kinh tế Nhật Bản sau đó tăng tốc đáng kể suốt hai năm liền, và cao hơn tỉ lệ tăng trưởng trước đây.

Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng sau trận lũ lụt lịch sử năm 1999 cũng đã hồi sinh mạnh mẽ, chuyển mình từ một thành phố ẩn mình thành một thành phố du lịch – điểm đến của nhiều du khách.

Vậy đâu là giải pháp cho chính quyền địa phương?

Để gây quỹ và sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ, chính quyền địa phương không thể thụ động chờ tiếp nhận. Họ cần có những kế hoạch cụ thể để vừa huy động được nguồn lực xã hội cũng như sử dụng nguồn hỗ trợ hiệu quả để phục hồi đời sống kinh tế, sản xuất của địa phương.

Nguồn lực này đến trong phút trào dâng cảm xúc của cộng đồng về các hoàn cảnh khó khăn của người dân thì cũng dễ dàng tan biến khi tình thế vùng lũ trở nên khả dĩ hơn trước. Thật vậy, trên mạng xã hội cũng đang dấy lên quan ngại về việc sử dụng tiền hỗ trợ cho đồng bào miền Trung. Nhiều doanh nghiệp đã trót công bố mức hỗ trợ thì cũng rụt rè trở lại.

Tuy vậy, cái người dân cần không chỉ là vài tháng lương thực cứu trợ qua cơn đói. Họ cần một cơ sở hạ tầng được phục hồi có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, cần vật tư để phục hồi sản xuất. Đã đến lúc chính quyền, người dân vùng thiệt hại cũng cần thay đổi tư duy về mục đích sử dụng các gói cứu trợ, dùng để cứu đói hay để phục hồi.

Chính quyền địa phương nên thống kê các thiệt hại để xây dựng các gói cứu trợ theo thứ tự ưu tiên. Việc xây dựng các gói cứu trợ là rất cần thiết để các nhà tài trợ có thể lựa chọn cho vừa sức và dễ dàng giám sát.

hoi sinh sau con bao quang binh ha tinh
Lũ khiến hàng ngàn nhà dân tại tỉnh Quảng Bình bị ngập và chìm trong biển nước. (Ảnh: nld.com.vn)

Đối với các gói cứu trợ phục hồi các công trình công cộng bị thiệt hại cần phải khắc phục (đường xá, cầu cống, trường học,…), địa phương cần lên danh sách cụ thể tên, địa chỉ các công trình, tình trạng hư hại, giải pháp khắc phục, dự tính kinh phí, nguồn lực dự kiến thực hiện.

Đối với các gói khôi phục sản xuất (hỗ trợ giống, phân bón,…), địa phương cần thống kê cụ thể danh mục hàng hóa, vật tư cần huy động, thời điểm cần huy động.

Dựa trên danh sách các tài sản thiệt hại, địa phương có thể chia thành các gói cứu trợ nhỏ, vừa sức để kêu gọi nhà tài trợ.

Bên cạnh việc tài trợ bằng tiền, bằng hàng hóa, những gói tài trợ đưa lực lượng hỗ trợ từ địa phương khác vào khắc phục tổn thất do thiên tai cũng rất quan trọng và cần thiết. Bởi lẽ, sau cơn bão, nguồn nhân lực địa phương cũng đã rất mệt mỏi. Nếu được các nơi khác hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau thiên tai, địa phương sẽ nhanh chóng phục hồi, hơn nữa có thể phát triển hơn trước nhờ tiếp cận các ý tưởng mới, các phương pháp mới.

Như vậy, trên cơ sở thông tin đầy đủ, các nhà tài trợ cũng dễ dàng lựa các gói cứu trợ vừa sức, đáp ứng mục tiêu của nhà tài trợ và dễ dàng giám sát. Ví dụ, công ty xây dựng có thể ủng hộ “gói xây cầu”; công ty giống cây trồng có thể giúp đỡ bà con các gói giống cây trồng; công ty phân bón có thể hỗ trợ phân bón, nhỏ hơn thì một nhóm sinh viên kiến trúc có thể giúp dân làng sơn sửa lại ngôi làng sau mùa lũ,….

Hơn nữa, việc tập trung nguồn lực từ các nơi về địa phương đến hỗ trợ cũng là một cách thức thúc đẩy đủ lịch địa phương dễ dàng, tự nhiên nhất mà chẳng tốn kém.

Từ thiện để giảm bớt hậu quả thiên tai là điều mọi người vẫn hay làm, nhưng biết tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế mới là giải pháp vượt trội.

Nguyên Hương

 Xem thêm: