Bên cạnh các yếu tố tăng trưởng tích cực của Vinamilk, hoạt động tích cực của Khối ngoại đang dẫn dắt TTCK  giúp nâng cao giá trị, lợi nhuận cho cả thương hiệu và các cổ đông.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/08/2016, VNM đạt 174.000 đồng/cổ phiếu – Đây là mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Vinamilk đã đạt hơn 210.461 tỷ đồng (khoảng 9,3 tỷ USD), tiếp tục là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

co phieu vinamilk
VNM luôn khởi sắc xanh trên TTCK. Nguồn: Vietstock ngày 18.8.2016

VNM tăng mạnh kể từ khi room cho nhà đầu tư nước ngoài được nới rộng

Theo dõi lịch sử giao dịch Cổ phiếu VNM trong 3 năm (2013-2016) cho thấy giá cổ phiếu cũng như  khối lượng giao dịch của VNM bắt đầu tăng mạnh từ tháng 10.2015, ngay sau khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp đại chúng.

Giá cổ phiếu VNM trong xu hướng tăng sau 1/10/2016
Giá cổ phiếu VNM trong xu hướng tăng sau 1/10/2016

Theo báo cáo của DOBF, trong 6 tháng đầu năm 2016, VNM là mã chứng khoán duy nhất luôn thường trực trong giỏ đầu tư của các Quỹ đầu tư ngoại, và là mã CK có khối lượng giao dịch lớn nhất trên thị trường. VNM chiếm 7.02% NAV của Vietnam Holdings, 14.5% NAV của VOF; 9.5%  NAV của VEUF; 18.8% NAV của VEIL; …

Với sự tham gia tích cực của khối ngoại trong thị trường vốn, cộng với kết quả kinh doanh tốt và chính sách cổ tức nhiều ưu đãi, VNM nhanh chóng bứt phá các mức giá kỷ lục trong lịch sử. Chỉ trong vòng 10 tháng, VNM tăng từ 100 ngàn lên 174 ngàn đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tăng trưởng  88%/ năm.

Cũng phải kể đến trong thời gian qua, TTCK Việt nam luôn được khuấy động bởi các chiến dịch truyền thông thương hiệu bền vững của VNM. Trên hàng đầu báo chuyên ngành đầu tư, kinh tế dành giới đầu tư tài chính đồng loạt xuất hiện các bài viết về VNM như: Giấc mơ toàn cầu hóa thương hiệu Vinamilk, Vinamilk: Chỉ có một trên đời, Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Vinamilk, Vinamilk đưa đàn bò sữa organic về Việt Nam,Tiếp tục vị thế tiên phong trên thị trường thực phẩm organic cao cấp, …

Ai là người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng giá cổ phiếu VNM?

Tính đến thời điểm này, SCIC là cổ đông lớn nhất của VNM với 541.054.080 cổ phiếu, tương đương với 45.06% cổ phần Vinamilk. Theo kế hoạch, SCIC tiếp tục mua thêm 600.000 cổ phiếu trong Quý III.2016. Việc không thoái vốn khỏi VNM đã giúp SCIC đã tăng trị giá tài sản nắm giữ hơn 4000 tỷ đồng chỉ trong vòng 10 tháng qua. Ngoài ra, VNM vẫn là “gà đẻ trứng vàng” cho SCIC trong nhiều năm (cổ tức trả cho SCIC năm 2015 là 2.705 tỷ đồng; năm 2014 là 1.502 tỷ đồng).

Bên cạnh SCIC, Khối ngoại cũng đang chiếm giữ xấp xỉ 50% cổ phần VNM. Trong 10 tháng qua, Khối ngoại cũng tăng tài sản hơn 4400 tỷ đồng. Và rất có thể đây mới là khối kích ứng thị trường tăng trưởng trong thời gian vừa qua.

Cần thêm nhiều cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn như VNM

Câu chuyện của VNM đang làm nóng thị trường của ngày hôm nay và cũng là đích phấn đấu của nhiều nhãn hiệu Việt. Chính sách nới rộng room thực sự phát huy tác dụng, khơi thông dòng chảy vốn ngoại vào thị trường Việt , giúp nâng tầm thương hiệu Việt trên cả thị trường vốn lẫn thị trường tiêu dùng. Tuy nhiên, dựa thế dòng chảy vốn ngoại cũng cần hết sức thận trọng mới bảo toàn và phát triển vốn. Câu hỏi SCIC nên thoái vốn khỏi VNM hay tiếp tục mua thêm cổ phần vẫn còn là một vấn đề tranh cãi khi TTCK Việt Nam đang bị Khối ngoại dẫn dắt. /.

Nguyên Hương

Xem thêm: