Bình quân doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang có nợ phải trả cao hơn gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, nguy cơ đổ vỡ do kinh doanh thiếu hiệu quả.

DNNN
Nợ lớn, quản lý kém, hoạt động thiếu hiệu quả, cơ chế giám sát thiếu minh bạch là những hạn chế lớn của khu vực DNNN. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Ngày 6/11, tại hội thảo “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN”, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của khu vực DNNN.

Theo CIEM, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khối DNNN chỉ đang phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn, nguồn lực tập trung chủ yếu vào 7 tập đoàn và 60 tổng công ty.

Bên cạnh đó, DNNN chỉ hoạt động hiệu quả tại các ngành nghề có mức độ cạnh tranh thấp, trong khi tại các ngành cạnh tranh hơn như thương mại, xây dựng, chế tạo thì hiệu quả kinh doanh của DNNN là rất thấp.

“Tăng trưởng của DNNN có đặc điểm là thâm dụng vốn, đất đai và tập trung con người nhiều nhất nhưng hiệu quả mang lại còn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ”, ông Phạm Đức Trung – Phó viện trưởng CIEM đánh giá.

Bên cạnh đó, ông Trung cho rằng một trong những yêu cầu quan trọng đối với DNNN là làm tốt việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh… nhưng về tổng thể DNNN chưa đáp ứng được điều này.

Thậm chí, nhiều DNNN đang có nợ phải trả cao hơn gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, trong khi mức trung bình doanh nghiệp Việt Nam là 2 lần. Số nợ lớn bên cạnh việc kinh doanh thiếu hiệu quả đang đặt các DNNN này vào nguy cơ đổ vỡ.

Về nguyên nhân dẫn đến hoạt động kém hiệu quả của khu vực DNNN, chuyên gia này không phủ nhận có nguyên nhân khách quan từ thị trường, song ông nhấn mạnh nguyên nhân chính vẫn là do các hạn chếvà yếu kém nội tại của DNNN.

“Nhiều doanh nghiệp, dự án thua lỗ là do sự yếu kém về năng lực và trình độ quản lý của bản thân doanh nghiệp Nhà nước”, ông nói.

Sự yếu kém này đã tạo ra kẻ hở cho lợi ích nhóm thao túng hoạt động của DNNN để tham nhũng, trục lợi; trong khi cơ chế trách nhiệm không rõ ràng, năng lực quản trị không theo kịp thực tiễn dẫn đến mất kiểm soát, bộ máy bị vô hiệu.

Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Tài chính – Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) – ông Đặng Quyết Tiến cũng cho rằng trách nhiệm của người quản lý DNNN còn chưa rõ ràng; chính sách tiền lương, thưởng chưa gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường; dẫn đến chưa khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.

Cùng với đó, cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm còn chưa nghiêm túc và thiết thực.

Do đó, các chuyên gia kiến nghị cần có phương án xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, DNNN có các dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài – nhất là các dự án thua lỗ của ngành Công thương, các tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, mất vốn.

Minh Sơn (T/h)

Xem thêm: